M&A “chui” vượt ngưỡng: Phạt nặng!

Với những vụ M&A lớn, việc đặt ra các ngưỡng thông báo đối với việc chi phối thị phần phải được đưa vào trong luật.

Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận mà hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) đem lại cho nền kinh tế, vẫn tồn tại nhiều quan ngại cho rằng, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động này sẽ là cơ hội cho các DN lớn thâu tóm, chi phối thị phần, triệt tiêu cạnh tranh và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh không chỉ ở phạm vi một quốc gia mà còn ở quy mô khu vực.

M&A “chui” vượt ngưỡng: Phạt nặng! - 1

Tại Việt Nam, ngành hàng tiêu dùng và tài chính - ngân hàng là những ngành có hoạt động M&A sôi động nhất.

Chia sẻ tại Hội nghị cạnh tranh ASEAN lần thứ hai với chủ đề “Mua bán và sáp nhập: những tác động đến ASEAN” do Bộ Công thương tổ chức tại TP. HCM sáng 13/9, bà Rosemary Ann Webb, thành viên Nhóm điều chỉnh và sáp nhập - Ủy ban Thương mại lành mạnh Úc cho rằng, với những vụ M&A lớn, việc đặt ra các ngưỡng thông báo đối với việc chi phối thị phần phải được đưa vào trong luật. Cũng cần có đánh giá cụ thể về hoạt M&A làm tăng sức mạnh thị trường của DN ra sao? Có ảnh hưởng đến cộng đồng trong việc liên kết làm tăng giá hàng hóa, sản phẩm hay không...?

Theo con số của Bộ Công thương, trong nửa đầu năm 2012, trong khi tổng giá trị giao dịch M&A trên toàn châu Á gần như không đổi, thì các thương vụ xuyên biên giới do các công ty tại khu vực ASEAN thực hiện đã đạt mức kỷ lục với 26,2 tỷ USD, cao hơn tổng giá trị giao dịch của cả năm 2011 là 23,2 tỷ USD. Tại thị trường Việt Nam, chỉ 3 tháng đầu năm 2012 đã có 60 vụ M&A với tổng trị giá 2 tỷ USD.

Theo bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), tại Việt Nam, ngành hàng tiêu dùng và tài chính - ngân hàng là những ngành có hoạt động M&A sôi động nhất. Cụ thể, năm 2011, giá trị các thương vụ M&A trong ngành hàng tiêu dùng đạt hơn 1,2 tỷ USD với 26 vụ. Dự đoán năm 2012 và những năm tiếp theo, các giao dịch M&A trong lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng, vì nền tảng thị trường tiêu dùng Việt Nam rất tốt, với dân số trẻ và thu nhập ngày càng tăng, trong khi đó các DN hàng tiêu dùng trong nước đang gặp khó khăn về vốn do lãi suất cao và thiếu kinh nghiệm phát triển ngành. Điều này buộc các DN hàng tiêu dùng trong nước phải tìm đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước để gia tăng tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản trị.

Đối với ngành tài chính - ngân hàng, giai đoạn 2009 - 2011 đã có 27 thương vụ M&A. Gần đây đã xuất hiện hiện tượng thâu tóm ngân hàng, điển hình là thương vụ thâu tóm Ngân hàng Sacombank trên TTCK. Tuy nhiên, theo bà Lan, các hoạt động chuyển nhượng sở hữu trong lĩnh vực này chủ yếu được thực hiện qua các cá nhân/DN trong nước. Cho đến thời điểm này, chưa chứng kiến một vụ M&A đích thực nào trong ngành ngân hàng nội địa do các tập đoàn nước ngoài thực hiện, bởi những rào cản pháp lý về sở hữu cổ phần trong ngành tài chính đối với cá nhân/tổ chức nước ngoài.

Bên cạnh đó, báo cáo tập trung kinh tế của Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho thấy, trong thời gian qua, trên thế giới đã có một số vụ sáp nhập lớn mà các bên tham gia đều có công ty con hoặc chi nhánh ở Việt Nam, ví dụ như Alcatel-Lucent, ICI-Akzo Nobel… Trong đó, nhiều công ty đã chiếm thị phần lớn, thậm chí có thể có thị phần chi phối trên thị trường Việt Nam. Đã xuất hiện nhiều trường hợp các công ty tự tuyên bố hoặc quảng bá thị phần lớn đối với các sản phẩm của mình. Đây là điều các DN hết sức lưu ý vì Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tăng cường giám sát các hoạt động M&A đối với các công ty dạng này, đặc biệt là đối với các trường hợp có thị phần đạt và vượt ngưỡng 30% trên thị trường liên quan. Cục Quản lý cạnh tranh sẽ điều tra nếu nhận được khiếu nại của bên thứ 3 hoặc tự tiến hành điều tra nếu phát hiện thấy các vụ M&A có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Theo quy định, sự kết hợp thị phần của các bên tham gia trong thị trường liên quan từ 30% đến 50% thì phải thông báo với Cục Quản lý cạnh tranh, từ 50% trở lên sẽ bị cấm tập trung kinh tế dù có sự miễn trừ với những trường hợp cụ thể.

TS. Hassan Qaqaya - Trưởng chi nhánh Luật và chính sách cạnh tranh Unctad cho rằng, cần có sự điều chỉnh, bổ sung các điều luật quản lý cạnh tranh hướng tới cả các vụ M&A xuyên quốc gia, bởi đây là xu hướng tất yếu của thị trường. Nếu Luật không được cập nhật kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng cạnh tranh này.

“Việc hợp tác giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng nhưng không nên khuyến khích những vụ M&A hướng tới độc quyền, vì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến cộng đồng”, TS. Hassan Qaqaya nói.

Theo bà Lan, Luật Cạnh tranh Việt Nam không quy định bắt buộc có sự tham vấn trước khi tiến hành tập trung kinh tế, nhưng DN nên tham vấn với Cục Quản lý cạnh tranh để nắm được quy định của Luật trước khi thực hiện những vụ M&A có khả năng nằm trong ngưỡng phải thông báo hoặc bị cấm.

“Nếu các DN thực hiện vụ M&A thuộc các trường hợp bị cấm hay thuộc diện phải thông báo mà đơn vị không thông báo, sẽ phải chịu mức phạt rất cao, có thể lên đến 10% tổng doanh thu của hai đơn vị sáp nhập trong năm tài chính trước năm thực hiện tập trung kinh tế”, bà Lan khuyến cáo.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lan - Đầu tư chứng khoán
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN