Lào Cai: Giá mỗi m2 đất chưa bằng bát phở
Nếu ngân hàng chỉ dựa vào tài sản của nông dân để cho vay thì rất khó vì các trang trại ở vùng sâu, vùng xa 1m2 đất có giá trị chưa bằng một bát phở, làm sao dân có thể thế chấp đất để vay vốn làm ăn.
Ông Phan Quốc Ân, chủ nhiệm HTX chăn nuôi Quý Hiền ở tỉnh Lào Cai chia sẻ khó khăn trong việc vay vốn để phát triển HTX trên địa bàn trong “Hội nghị Tổng kết xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp” diễn ra sáng 11/12.
Ông Phan Quốc Ân, chủ nhiệm HTX chăn nuôi Quý Hiền ở tỉnh Lào Cai
"Lào Cai 1m2 đất có giá trị chưa bằng một bát phở"
Ông chủ nhiệm HTX chăn nuôi cho biết, một khó khăn trong quá trình vay vốn là thủ tục để được vay. Lãi suất có cao nhưng cũng khó vay vì khi cho vay thì vẫn phải có tài sản thế chấp. Nhưng nếu làm nông nghiệp mà chỉ dựa vào tài sản của nông dân để cho vay thì rất khó vì giá trị của đất ở các trang trại vùng sâu vùng xa rất thấp. 1m2 đất có giá trị chưa bằng một bát phở thì sao dân có thể thế chấp đất để vay vốn làm ăn. Theo ông thì cần tạo dựng lòng tin để cho vay tín chấp hoặc được thế chấp tái sản hình thành từ vốn vay.
"Chính sách tín dụng cho vay với nông nghiệp lãi suất tuy có thấp hơn các đối tượng khác nhưng cũng còn rất cao, 13%/năm đối với vay ngắn hạn còn 17%/năm với khoản vay trung hạn. So với các nước trong khu vực thì họ chỉ có từ 4-6%. Đối với các dự án đặc biệt cho nông nghiệp thì chỉ có 2%", ông Ân so sánh.
“Tín dụng của chúng ta lấy phương trâm đi vay để cho vay, đang phụ thuộc cứng nhắc vào lãi suất huy động tiền gửi cộng thêm 3% thì không thể có lãi suất thấp hơn được. Nên chăng Ngân sách nhà nước cần có một gói lãi suất thấp đủ dành cho Nông nghiệp, ủy thác cho ngân hàng để cho vay. Có như vậy thì nông dân mới có cơ hội để vay vốn với lãi suất thấp hơn”.
Đầu tư vào nông nghiệp nông thôn thì lợi nhuận ít nhưng rủi ro nhiều. Vì vậy để khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhà nước nên có nhiều chính sách ưu đãi hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề vốn vay ngân hàng, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang mong muốn, cần có những hỗ trợ tín dụng cho DN. Nên ưu tiên vốn vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư của tỉnh cho các HTX tham gia mô hình để đầu tư trang thiết bị cho mô hình, góp phần tích cực cùng DN trong xử lý các khâu.
Chia sẻ với những khó khăn này của HTX và DN, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Bộ Công thương cũng đã có kiến nghị với Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các NHTM, tổ chức tín dụng có chính sách ưu đãi, có cơ chế cho vay trung và dài hạn đối với DN thu mua, chế biến, mở rộng sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản.
Đồng thời Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị duy trì chính sách hỗ trợ vốn vay tạm trữ nông sản, ưu tiên về lãi suất, hạn mức tín dụng cho HTX nông nghiệp, DN vừa và nhỏ đề đầu tư máy móc thiết bị công nghệ. Cùng với đó cải cách thủ tục hành chính cho vay nhằm đơn giản hóa và thuận tiện cho cá nhân, tập thể sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng.
Bên cạnh những khó khăn về nguồn vốn và thủ tục vay vốn trong mô hình HTX thì một khó khăn nữa được ông Ân nhấn mạnh là khâu tiêu thụ sản phẩm.
Khi đến thời điểm thu hoạch thì nông dân rất cần bán, kể cả những nông sản không theo mùa vụ như sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi đến tuổi thì phải bán, càng để càng lỗ nên nông dân bị thương lái ép giá, “lòng tham của thương lái là vô bờ bến”, ông bức xúc nói.
Theo vị chủ nhiệm này phân tích thì một con lợn người chăn nuôi chăm sóc vất vả trong 4 tháng, rủi ro cao, nếu được thì cũng chỉ được từ 300-400 nghìn là mừng. Nhưng người giết mổ chỉ qua 1 đêm, không phải chịu rủi ro hay bỏ vốn ra mà lãi từ 700 ngàn đến tiền triệu. Hay như một con gà nuôi 2 tháng thì người dân cũng chỉ được 10 ngàn nhưng người giết mổ chắc chắn sẽ được 20 ngàn đồng.