Giá đất tù mù giúp quan tham trục lợi

Khiếu kiện gây bất ổn xã hội và tiêu cực tham nhũng trong đầu cơ đất đai được xem là "nút thắt" cần gỡ khi sửa Luật Đất đai. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều ĐBQH cho rằng các điều khoản được sửa vẫn chưa tạo ra đột phá.

Càng cụ thể càng tốt

Một trong những bất cập của luật hiện hành là quy định về giá đất, và ban soạn thảo đã sửa đổi nội dung này. Thay vì quy định giá đất khi đền bù cho dân phải “sát giá thị trường” như luật hiện hành, dự thảo lại nêu “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”.

ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) góp ý, thay đổi này cũng không sáng sủa gì hơn, tiếp tục tạo một sự mơ hồ mới. "Phù hợp giá thị trường có gì khác với sát giá thị trường? Thế nào là phù hợp giá thị trường? Giá thị trường là thị trường ở thời điểm nào?", ông Sang đặt câu hỏi.

Giá đất tù mù giúp quan tham trục lợi - 1

ĐB Lê Trọng Sang: Thế nào là phù hợp giá thị trường?

Lâu nay, bảng giá đất được công bố chỉ bằng 30 - 60% giá thị trường. Hà Nội và TP.HCM áp mức cao nhất trong bảng giá là 81 triệu đồng, trong khi thực tế lên tới vài trăm triệu một mét đất.

Nhà nước thất thu còn người dân thì bị thiệt thòi quá mức, dẫn đến các phản ứng và khiếu kiện. Nguyên tắc mơ hồ này cũng là lý do dẫn đến quốc nạn tham nhũng.

Ông Sang đề xuất, phải có sự phân biệt giá đất trước và sau khi có quy hoạch dự án bởi giá cả khác xa nhau.

Ngoài ra, các tỉnh thành cũng cần chủ động trong vấn đề xác định giá đất. Theo đó, hàng năm các tỉnh thành sẽ cập nhật giá từng thửa đất căn cứ vào các giao dịch thực tế, sau đó công bố công khai cho dân địa phương và báo cáo lên chính quyền cấp trên.

Ông Sang phân tích, bên cạnh giá thị trường trong điều kiện bình thường thì các tỉnh nên lập hồ sơ giá thị trường mới sau quy hoạch và phải được cập nhật cho đến tận thời điểm công bố quyết định thu hồi.

"Chênh lệch giữa giá thị trường trong điều kiện bình thường và giá mới sau quy hoạch là địa tô phát sinh. Nếu những khoản này minh bạch và thu về ngân sách thay vì rơi vào túi cá nhân thì dân sẽ ủng hộ", ông Sang khẳng định.

Nhiều ý kiến khác cũng chỉ ra tình trạng "vênh" giữa giá nhà nước và giá thị trường như lâu nay đã tạo cơ hội cho không ít quan tham trục lợi từ đất. Vì vậy, nguyên tắc "phù hợp với giá thị trường" cần phải được làm rõ để tránh tình trạng tù mù. Nói như ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai), giá đất để tính khi đền bù cho dân càng phải chi tiết và cụ thể càng tốt.

Lập tổ chức nghiên cứu chuyển nghề cho dân mất đất

Theo phản ánh của các ĐBQH, gây bức xúc nhiều nhất cho dân là tình trạng bố trí công việc và tái định cư chưa hợp lý. Trong khi đó, dự thảo sửa đổi cũng không đưa hướng xử lý mới.

Giá đất tù mù giúp quan tham trục lợi - 2

ĐB Trương Thị Huệ: Nên cân nhắc việc lập một tổ chức nghiên cứu chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân mất đất

Ông Lê Trọng Sang phân tích, dân đã nhường đất cho nhà nước làm các dự án lớn song không được bố trí tái định cư hợp lý. Dự thảo luật cũng chỉ đưa ra nguyên tắc, "người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi được xem xét hỗ trợ để tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống".

"Quy định như vậy vừa có phần xem nhẹ, vừa không ràng buộc trách nhiệm lại vừa thiếu cụ thể. Bởi "hỗ trợ" cũng có thể hiểu là sự ban ơn còn "được xem xét" có thể hiểu là có thể có, hoặc không, hoặc làm nhiều hay ít tùy ý", ông Sang nói.

Ông Sang đề nghị, bổ sung nguyên tắc, giá trị mà dân được nhận bồi thường khi nhà nước thu hồi đất dựa trên cơ sở sự bảo tồn tài sản và nguồn sinh kế cho dân. Theo đó, phải coi quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt. Trong trường hợp cần thiết thì nhà nước tổ chức trưng mua. Có như vậy mới đảm bảo để dân đến nơi ở mới vẫn được nhận các điều kiện bảo đảm công ăn việc làm và sinh sống như nơi ở cũ.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cũng góp ý, khi mất đất, tiền không phải vấn đề quan trọng nhất mà điều dân cần chính là công ăn việc làm.

Bà Huệ cho rằng, với các dự án phát triển kinh tế, đặc biệt khai khoáng thì cần đưa ra quy định về chia sẻ lợi ích. Theo đó, nên cân nhắc việc lập một tổ chức quan hệ cộng đồng để nghiên cứu tìm hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Tổ chức này sẽ tồn tại ít nhất cho tới khi dự án được kết thúc.

ĐB Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) góp ý, để hạn chế việc lấy đất thực hiện dự án, luật cần quy định giá đền bù phải phù hợp khả năng sinh lợi cho dân. Nhiều ý kiến khác đề xuất cần tổ chức lấy ý kiến dân với dự án luật Đất đai sửa đổi, và cần được soạn thảo kỹ giống như các bộ luật Dân sự, Hình sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nhung (VietNamNet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN