Lãi suất hạ 1% tương đương với “1 xô nước”?
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định điều chỉnh giảm 1% mặt bằng các lãi suất chủ chốt. Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến phát biểu: 1% tương đương với 1 "xô nước".
Lãi suất chủ chốt giảm 1%
Ngày 10/5, trong cuộc họp báo về Điều chỉnh lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã ban hành Quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 9%/năm xuống 8%/năm.
Đồng thời, cơ quan này cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 12%/năm xuống 11%/năm.
Các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất trên có hiệu lực từ ngày 13/5/2013.
Lãi suất chủ chốt sẽ giảm 1% từ ngày 13/5
Như vậy, tính từ cuối năm 2012 đến nay, NHNN liên tục điều chỉnh hạ lãi suất với mức cố định mỗi lần là 1%. Trả lời câu hỏi của phóng viên về hiện tượng giảm 1% có quá “nhỏ giọt”, Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết: Việc điều hành chính sách cần linh hoạt. Bước điều chỉnh 1% đối với thông lệ điều hành của các Ngân hàng Trung ương tương đương với 100 điểm phần trăm (100 điểm/1 lần điều hành). Đây là mức điều chỉnh rất lớn.
“Không phải nhỏ giọt mà là cả một xô nước”, Phó Thống đốc nói.
Thông tin thêm về tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng 4 tháng đầu năm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết: chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức thấp; thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất huy động và cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục giảm, lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, do sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp còn hạn chế.
Lãi suất cho vay cũ sắp về 13%
Trước đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương đưa lãi suất cho các khoản vay cũ về dưới 15%. Thông tin về tình hình triển khai chỉ đạo này, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết hầu hết các tổ chức tín dụng đã tích cực giảm.
“Tỷ trọng cho vay với lãi suất trên 15% với các khoản vay cũ đến nay chỉ còn 14%’, ông Tiến nói.
Không dừng lại ở đó, người đứng đầu NHNN đã tiếp tục đề nghị, kêu gọi các tổ chức ín dụng giảm lãi suất cho vay cũ về mước dưới 14% theo mong muốn của doanh nghiệp và người vay vốn.
“Các tổ chức tín dụng chiếm thị phần đa số về tín dụng đều nhất trí tiếp tục giảm lãi suất cho vay cũ về mức mới là khoảng 13%”, Phó Thống đốc Tiến thông tin.
Lãi suất cho vay cũ sẽ về dưới 13%/năm (ảnh minh họa)
Việc điều chỉnh hạ lãi suất sẽ khiến hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận các tổ chức tín dụng giảm xuống nhưng đây là sự chia sẻ cần thiết của nền kinh tế với người vay vốn.
Theo Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Phạm Quang Dũng, hiện ngân hàng này không còn dư nợ với mức lãi suất trên 15%.
“Ngày 13/5, tất cả dư nợ cũ tại Vietcombank sẽ được hạ xuống dưới 13%/năm”, ông Dũng khẳng định.
Thông tin về mức lãi suất cho vay của ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank), ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: từ ngày 13/5, đơn vị này sẽ điều chỉnh lãi suất cho vau nông nghiệp nông thôn tối đa là 10%/năm, thậm chị có những gói cho vay với mức từ 5 – 8%/năm; đối với cho vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, tối đa là 11,5%/năm; cho vay đối tượng không ưu tiên từ 12,5 – 13%/năm; các khoản dư nợ tồn tại trước đây sẽ về dưới 13%/năm.
“Tổng số dư nợ lãi suất từ 13 - 15% còn lại 48% tổng dư nợ. Đây là quyết định khó khăn với Agribank nhưng sẽ chia sẻ với doanh nghiệp”, ông Hùng nói.
Trước đó, ngày 8/5, ba “đại gia” ngành ngân hàng là Agribank, BIDV và Vietinbank đồng loạt thông báo giảm mạnh lãi suất huy động. Theo đó, Agribank cho biết, lãi suất tiết kiệm cá nhân của ngân hàng này hiện ở mức 5% đối với kỳ hạn 1 tháng, thấp hơn 2,5% so với trần lãi suất huy động theo quy định của NHNN. Với kỳ hạn 2 tháng, lãi suất ở mức 7%, thấp hơn trần 0,5%. Các kỳ hạn từ 3-9 tháng lãi suất huy động ở mức 7,5%. Đối với kỳ hạn dài trên 12 tháng, Agribank huy động ở mức 9%, thấp hơn mức 10% trước đó. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất huy động đối với VND. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 2%/năm; kỳ hạn 1 tháng: 6%/năm; kỳ hạn 2 tháng: 6,5 %/năm; kỳ hạn 3-11 tháng: 7%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng: 8%/năm. Bên cạnh hạ lãi suất huy động, để chia sẻ khó khăn, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, BIDV cũng hạ lãi suất cho vay VND. Đối với cho vay ngắn hạn 6 lĩnh vực ưu tiên (cho vay phát triển nông thôn, cho vay tài trợ xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ, cho vay ứng dụng công nghệ cao; cho vay khắc phục bão lũ: BIDV giảm 1,0%/ năm, về mức 10,0%/ năm. Đối với cho vay ngắn hạn thông thường, áp dụng ở mức 11,0-11,5%năm; cho vay trung dài hạn, áp dụng ở mức 11,0-12,0%/năm. VietinBank cũng giảm lãi suất huy động và cho vay. Theo đó, các mức lãi suất huy động VNĐ có kỳ hạn dưới 12 tháng của VietinBank cao nhất 7%/năm, thấp hơn mức trần theo quy định của NHNN là 7,5%/năm. Ngân hàng này cũng triển khai nhiều gói tín dụng ngắn hạn với hạn mức lên tới 80.000 tỷ đồng và ưu đãi lãi cho vay thấp nhất chỉ 7%/năm. |