Giá USD sẽ tiếp tục ổn định?

Khác với nhiều năm trước, giá USD được duy trì khá ổn định trong nhiều tháng nay. Trên thị trường tự do, cũng như tại các ngân hàng thương mại (NHTM), giá USD hầu như không biến động, ngay cả khi có tăng, giảm cũng chỉ trong biên độ nhỏ…

Trái với dự đoán của nhiều người, USD không có dấu hiệu tăng giá. Trong nhiều tháng liên tiếp, giá USD chỉ quanh ngưỡng 20.900 VND/USD. Có thời điểm giá USD "leo" lên mức 21.000 VND/USD, nhưng chỉ vài ngày sau giá USD lại trở về dưới ngưỡng 20.900 VND/USD. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), nhiều ngày trước kỳ nghỉ lễ 2-9, giá USD duy trì ở mức 20.840 VND/USD (mua vào) - 20.880 VND/USD (bán ra).

Không riêng gì Vietcombank, hầu hết các NHTM khác trong hệ thống cũng niêm yết giá USD ở mức này. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tiếp tục đứng ở mức 20.282 VND/USD.

Giá USD trên thị trường chính thức ít biến động, giúp giá USD trên thị trường tự do không rơi vào tình trạng "sốt" như nhiều thời điểm trước. Tại nhiều đại lý thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung, ngày 1-9, giá USD được giao dịch phổ biến với mức 20.900 VND/ USD (mua vào) - 20.940 VND/ USD (bán ra). Có thời điểm, giá USD ở thị trường này chỉ còn mức 20.880 VND/USD (mua vào) - 20.900 VND/USD (bán ra).

Như vậy, so với thị trường chính thức, giá USD trên thị trường tự do chênh lệch không đáng kể. Thay vì mức chênh hàng nghìn đồng như nhiều thời điểm trước, giá USD ngoài thị trường tự do chỉ cao hơn giá chính thức vài chục đồng. Lý giải về tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, khoảng cách về giá giữa hai thị trường được rút ngắn lại khiến thị trường giao dịch tự do kém hấp dẫn.

Đồng USD được ngân hàng duy trì ở mức ổn định trong thời gian dài cũng làm cho tâm lý chạy theo đồng USD không còn tồn tại. Những kẻ đầu cơ lợi dụng sự chênh lệch giữa hai thị trường nhằm "buôn" USD để thu lời cũng không còn cơ hội.

Cái được lớn nhất của việc bình ổn đồng USD chính là người dân không còn quay lưng với VND để mua USD tích trữ, bởi kênh đầu tư ngoại tệ khó thu được lợi nhuận trong bối cảnh đồng USD được giữ giá trong một thời gian quá dài như vậy.

Không "lướt sóng" được với USD bằng việc mua USD lúc giá thấp để rồi bán USD với giá cao, người dân chỉ có cách gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu gửi tiết kiệm bằng USD, mức lãi suất mà người ta thu được chỉ là 2%/năm, quá thấp so với gửi tiết kiệm bằng tiền VND với lãi suất cao nhất cũng lên tới 11-12%/năm. Rõ ràng, nếu gửi tiết kiệm VND có thể thu được lợi nhuận lớn hơn.

Không chỉ người dân mà ngay cả DN cũng thờ ơ với đồng USD. Nếu thời kỳ trước, nhiều DN bằng mọi giá làm thủ tục vay USD từ ngân hàng để hưởng lãi suất cho vay thấp hơn, sau đó lại bán USD để lấy VND phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh.

Thông thường, lãi suất cho vay của các ngân hàng với đồng USD chỉ dừng ở 7-8%/năm, vì lãi suất huy động là 2%/năm, trong khi đó lãi suất cho vay VND thấp nhất phải ở mức 11-12%/năm (dành riêng cho các DN ưu tiên), còn lãi suất dành cho hầu hết các DN phải đạt mức 15-16%/năm, thậm chí 18-19%/năm.

Cũng như vàng, thực tế cho thấy đồng USD không thể dự đoán được. Nếu vay USD từ ngân hàng để đổi ra VND mà đồng tiền này không may tăng giá, DN sẽ phải chịu một khoản lỗ lớn về chênh lệch tỷ giá. Chỉ cần USD tăng 1-2%, DN sẽ phải gánh thêm mức tiền lớn. Vì những lý do này, nhiều DN đã không dám vay USD nếu không có những hợp đồng có thể thu lại từ USD.

Câu hỏi nhiều người đặt ra là, liệu cuối năm nay USD có tăng giá? Bởi, thời điểm cuối năm và đầu năm, nhu cầu USD của DN tăng cao hơn. Đại diện NHNN khẳng định, nếu USD biến động cũng sẽ chỉ quanh ngưỡng 1%, nhưng nếu nền kinh tế ổn định, đồng USD sẽ tiếp tục được duy trì ổn định, vì lượng dự trữ ngoại hối đang ở mức khá cao. Thêm vào đó, đồng USD trên thế giới cũng chưa có dấu hiệu tăng so với những ngoại tệ khác, nên khả năng giữ vững tỷ giá USD/VND là hoàn toàn có thể. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Anh (báo Hà Nội mới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN