GDP cao nhưng chưa hết băn khoăn!

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong tăng trưởng 2017 chúng ta có những đột phá trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến, nhưng trong công nghiệp chế biến đang dựa vào khu vực FDI.

Trong ngày hôm nay, 31/10/2017, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, một số Đại biểu bày tỏ lo ngại về chất lượng tăng trưởng kinh tế và nguy cơ về nợ công. Đại biểu Đặng Thuần Phong – ĐBQH tỉnh Bến Tre, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội – cho rằng việc phải tập trung cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề nợ công,… thực sự là thách thức của Chính phủ.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, trong 13 chỉ tiêu đề ra thì vượt 5 chỉ tiêu và đạt 8 chỉ tiêu. Tuy nhiên ông Đặng Thuần Phong cho rằng GDP vượt chỉ tiêu nhưng nhìn dòng tiền đi về đâu để có sự tính toán hiệu quả kinh tế xã hội lại là việc đáng băn khoăn.

GDP cao nhưng chưa hết băn khoăn! - 1

Đại biểu Đặng Thuần Phong – ĐBQH tỉnh Bến Tre, Ủy viên Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

“Giải ngân vốn rất chậm, năng suất lao động tăng không đáng kể, thu từ doanh nghiệp nhà nước không đạt, nguồn thu từ dầu thô cũng không đạt cho dù sản lượng khai thác có tăng lên cả triệu tấn. Nhìn vào yếu tố tăng trưởng này để đánh giá tính ổn định của kinh tế vĩ mô là đáng lo ngại.” Đại biểu Đặng Thuần Phong nói.

Về vấn đề này, tại phiên thảo luận ở tổ hôm 24/10, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng bày tỏ lo ngại nền kinh tế tiềm ẩn rủi ro vì tính bền vững và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế không thực sự mạnh.

“Nếu bán hết vốn nhà nước đi rồi thì không biết nhiệm kỳ sau lấy gì mà chi tiêu? Riêng trả nợ công phần lãi vay và gốc mỗi năm 98 nghìn tỷ đồng, cân đối ngoại bảng 160 nghìn tỷ đồng vay đảo nợ, giống như một hộ gia đình vay đến hạn phải trả lại phải đi vay người này người khác để trả nợ,” ông Hồ Đức Phớc nói.

GDP cao nhưng chưa hết băn khoăn! - 2

ĐBQH Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Với hơn 60% ngân sách dành cho chi thường xuyên, ông Đặng Thuần Phong cho rằng việc phải đảo nợ để trả nợ trong khi chi thường xuyên chiếm tỷ trọng quá lớn đã hạn chế việc chi cho đầu tư phát triển.

“Đây thực sự là thách thức cho nền kinh tế cho những năm sau và lâu dài, nếu đảo nợ mãi như thế thì bao giờ mới trả hết nợ? Cần tính toán căn cơ, tiết kiệm chi tiêu để trả nợ, mỗi năm phải giảm 10% chi thường xuyên.”

Để giảm chi thường xuyên đòi hỏi nhiều giải pháp, Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng trong đó có giảm biên chế, giảm hội họp, lễ lạt. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị phải thực hiện chứ không thể cứ nói chung chung là giảm chi thường xuyên nhưng không biết giảm từ đâu, giảm cái gì.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Sinh - Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị - cho rằng mặc dù mưa lũ xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung gây thiệt hại rất lớn cho người dân và địa phương, nhưng so với quy mô của nền kinh tế thì không phải là lớn lắm bởi kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt.

GDP cao nhưng chưa hết băn khoăn! - 3

Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.

Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 từ 6,5%-6.7%, đó là chỉ tiêu linh hoạt bởi theo ông Sinh, tính bền vững trong tăng trưởng năm 2017 “chưa rõ ràng”. Thu ngân sách từ doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI khả năng không đạt kế hoạch. Mặc dù doanh nghiệp thành lập mới khoảng 120.000 doanh nghiệp/năm, nhưng có đến 60% phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.

Trong tăng trưởng 2017 chúng ta có những đột phá trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến, nhưng trong công nghiệp chế biến đang dựa vào khu vực FDI.

“Muốn phát triển bền vững phải có vốn của người Việt Nam, chủ doanh nghiệp là người Việt Nam, nếu không chúng ta cũng chỉ làm gia công. Mặc dù GDP cao thật nhưng giá trị thật của Việt Nam được bao nhiêu? Ví dụ như trong lĩnh vực công nghiệp chế biến có lĩnh vực công nghiệp điện tử, Samsung xuất khẩu 50 tỷ USD nhưng trong đó có những gì của Việt Nam? Hoặc tỷ lệ nội địa hóa ô tô hiện nay không biết có được 25% hay không, có đơn vị báo cáo tỷ lệ nội địa hóa đã đạt 40% nhưng tôi nghi ngờ tỷ lệ này.” Ông Đỗ Văn Sinh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tuân (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN