Dấu hiệu khơi mào cho chiến tranh tiền tệ

Đợt phá giá đồng tiền quy mô lớn của Trung Quốc đã khiến thị trường tài chính toàn cầu bị sốc nặng. Các tờ báo trên thế giới dẫn lời các chuyên gia cho rằng nếu nhiều nước cùng tìm cách giành ưu thế cho hàng hóa xuất khẩu của mình trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm thì khả năng một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ xảy ra.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng chúng ta toàn vẽ ra những kịch bản màu hồng mà ít nghĩ đến hãy sẵn sàng chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất xảy ra để mà ứng phó.

Đang trong tình trạng đối đầu

. Phóng viên: Sau khi Trung Quốc (TQ) phá giá đồng NDT liên tục trong ba ngày khoảng 5%, có nhiều ý kiến trái chiều về việc có hay không mầm mống của chiến tranh tiền tệ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

 + TS Nguyễn Trí Hiếu: Ngay sau khi TQ phá giá đồng NDT thì hàng loạt đồng tiền nội tệ ở các quốc gia mất giá. Cụ thể, đồng ringgit của Malaysia vốn đã giảm sâu trước đó lại trượt tiếp 2%. Tiếp đó đồng rupiah của Ấn Độ cũng mất 1,6% giá trị, đồng tiền của Indonesia cũng rơi xuống mức thấp suốt khoảng 25 năm qua khi chỉ còn 13.789 rupiah/USD. Đến won của Hàn Quốc, yen Nhật, đôla Singapore, đôla Úc… cũng đồng loạt giảm giá.

Hàng loạt quốc gia ngay lập tức đã phải vào cuộc để có biện pháp chống đỡ tình hình này. Chính phủ Indonesia đã phải họp khẩn trong đêm 11-8 để tìm cách ứng phó, họ vội vã bán 500 triệu USD dự trữ ra thị trường để cứu đồng nội tệ trượt giá. Rồi các nước trong khu vực châu Á cũng dùng nhiều biện pháp về tỉ giá để chống đỡ tình trạng này, trong đó có Việt Nam.

Khi cùng một lúc nhiều quốc gia phá giá đồng tiền của họ để trung hòa sự tác động NDT với nền kinh tế của họ, khi TQ chưa ngừng phá giá đồng NDT thìhình như cuộc chiến tranh đã bắt đầu. Cuộc chiến chưa bùng nổ nhưng vì sự phá giá của đồng NDT, các nước đã buộc phải phá giá đồng tiền của họ. Cái được của TQ là cái mất của các quốc gia khác. Cái được của TQ là hàng hóa khi xuất khẩu đi các nước khác sẽ rẻ hơn. Còn các nước nhập khẩu hàng TQ sẽ bị đẩy nhập siêu lên.

. Nhưng từ năm 2005 đến nay đồng NDT của TQ liên tục tăng giá lên 30%-40% thì nay việc giảm giá cũng không là gì so với mức tăng. Nên không thể nói động thái phá giá của TQ là mầm mống cho một cuộc chiến tranh tiền tệ?

+ Nếu TQ chỉ phá giá lần đầu 1,9%, các nước cũng tìm cách phá giá đồng bản tệ của họ. Nhưng có lẽ cũng chưa có một sự phá giá nào quá mạnh cho đến khi TQ tiếp tục phá giá thêm hai lần nữa lên tổng 4,6% thì lập tức các chính phủ xung quanh phản ứng ngay. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục phá giá đồng bản tệ của họ. Vì họ không chờ TQ bán hàng cho họ, họ không phá giá đồng bản tệ thì xuất khẩu cũng sẽ gặp khó khăn, khó khăn không chỉ các mặt hàng nông sản mà có nhiều sản phẩm, trong đó cả khoáng sản... Điều đó cho thấy đã chớm ngòi của chiến tranh tiền tệ rồi. Phản ứng của nhiều chính phủ chưa tạo sự bùng nổ nhưng là cuộc đối đầu với nhau rồi.

Trận chiến tiền tệ sẽ chỉ có người thua

. Vậy theo ông, liệu cuộc chiến tiền tệ này có xảy ra hay sẽ dừng lại?

 + Có nếu TQ chưa dừng lại ở đây và nếu vẫn tiếp tục phá giá mức độ đâu đó khoảng 10% có thể đưa cuộc đối đầu trong thị trường hối đoái vào cuộc chiến tranh rộng lớn. Lúc này các nước trên thế giới chắc chắn không thể ngồi yên mà họ cũng phải buộc lòng phá giá mạnh mẽ đồng bản tệ. Trong trận chiến tiền tệ, phần lớn chỉ có người thua vì không anh nào chịu anh nào cả. Khi mọi người cùng kéo nhau vào trận đồ mà hình như chỉ có người thua, các đồng tiền trên thế giới ngày càng mất giá thì vô cùng nguy hiểm.

. Kịch bản xấu nhất trong tình huống đó sẽ như thế nào, thưa ông? Trong lịch sử thế giới đã từng có trường hợp nào tương tự xảy ra chưa?

+ Trong lịch sử thế giới đã từng có trường hợp khi anh này phá giá đồng bản tệ thì anh kia cũng phá giá theo. Nhưng chưa bao giờ có tình trạng một đồng bản tệ bị phá giá ảnh hưởng toàn thế giới. Điều đó cho thấy chưa có mầm mống trận chiến nào lớn lao như hiện tại. Trường hợp tệ nhất là trong cuộc chiến tiền tệ ai cũng thua và rồi thì nhiều quốc gia rơi vào tình trạng lạm phát, nợ công tăng, xuất khẩu thấp, tăng trưởng trì trệ… sẽ đưa các quốc gia rơi vào khủng hoảng và vỡ nợ.

Cuối cùng, thay vì đang hội nhập toàn cầu thì nay để ứng phó với tình trạng này các nước phải quay lại bảo hộ mậu dịch bằng hàng rào thuế quan, tài chính… Bởi đây là cuộc chiến mà khi anh nào cũng phá giá, cứ như thế chỉ lôi nhau vào vòng xoáy đi xuống.

. Sau ba lần phá giá đồng NDT với tổng cộng gần 5%, nghĩa là khả năng trận chiến lớn lao là hoàn toàn có thể xảy ra. Vậy Việt Nam chúng ta sẽ phải làm gì, thưa ông?

+ Chúng ta không nên đặt ra những kế hoạch màu hồng, mà phải có những kịch bản đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Ở góc độ quản lý, theo tôi về lâu dài cần có phương pháp chống đỡ, các chiến lược đối phó với từng kịch bản khủng hoảng. Thậm chí cần thiết vẫn phải điều chỉnh chính sách tiền tệ để phù hợp với thị trường.

Riêng với nhà đầu tư, mọi người cần thận trọng vì trong sự biến động mạnh như vậy không bến bờ nào là an toàn cả.

. Xin cảm ơn ông.

Chiến tranh tiền tệ đã xảy ra từ năm 1930

Dù thuật ngữ “chiến tranh tiền tệ” chỉ xuất hiện những năm gần đây, song bản chất những cuộc đua phá giá đồng tiền đã diễn ra từ những năm 30 của thế kỷ 20, trước cuộc đại suy thoái của kinh tế toàn cầu. Tại thời điểm đó các nước đã từ bỏ hệ thống bản vị vàng - cố định giá trị đồng tiền với giá kim loại quý này.

Chiến tranh tiền tệ đầu tiên xảy ra khi người ta không còn áp dụng bản vị vàng trong thập niên 1930. Vương quốc Anh đã giảm giá đồng pound 1931 25%, nhiều nước khác sau đó nối tiếp theo. Đế quốc Đức không theo khuôn mẫu này nhưng chẳng bao lâu đã phải giới hạn việc chuyển khoản ra ngoại quốc và hầu như không còn tham dự vào thương mại thế giới. Hoa Kỳ năm 1933 cũng đã phải giảm giá tiền tệ, sau đó đến phiên các nước như Bỉ và Pháp.

ĐỖ THIỆN

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Pháp luật TPHCM)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN