CTCK thỏa thuận ngầm làm đẹp báo cáo?

Các CTCK đang chuẩn bị cho việc lần đầu tiên phải kiểm toán và công khai Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng cho toàn thị trường biết.

Tuy nhiên, liên quan đến nghĩa vụ này đang có không ít những câu hỏi.

Đặt hàng công ty kiểm toán

Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa tổ chức tập huấn để hướng dẫn cho các DN niêm yết, CTCK, công ty quản lý quỹ… thực hiện công bố thông tin theo quy định của Thông tư 52/2012, có hiệu lực từ ngày 1/6 tới. Một nghĩa vụ công bố thông tin mới đối với các CTCK, theo văn bản này là phải công bố thông tin định kỳ về Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận tháng 6 và tháng 12 cùng với thời điểm công bố thông tin báo cáo tài chính (BCTC) bán niên và BCTC năm.

Để tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin mới này, tìm hiểu của PV cho thấy, các CTCK bắt đầu đặt hàng công ty kiểm toán về kế hoạch kiểm toán Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng.

Tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết cho biết, Công ty vừa làm việc với công ty kiểm toán, để bổ sung nội dung kiểm toán Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng vào kế hoạch kiểm toán hàng năm. Theo thỏa thuận sơ bộ, chi phí cho mỗi lần kiểm toán này khoảng 10 triệu đồng. Do thời điểm lập và kiểm toán Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng trùng với thời điểm soát xét BCTC bán niên và kiểm toán BCTC năm, nên các công ty kiểm toán cho biết, không tốn nhiều thời gian khi tiến hành kiểm toán Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng.

Chủ tịch HĐQT một CTCK có trụ sở chính tại TP. HCM chia sẻ, với quy định mới, ngoài phải định kỳ gửi UBCK Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng, các CTCK còn phải tập hợp các dữ liệu này chuyển cho công ty kiểm toán để thực hiện kiểm toán định kỳ và công bố thông tin công khai. “Sức ép gia tăng, nhưng do chẳng còn sự lựa chọn nào khác, nên Công ty đang thương thảo với công ty kiểm toán, để chuẩn bị tiến hành kiểm toán Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng”, vị chủ tịch này cho biết.

Trả lời câu hỏi, đứng trước nguy cơ bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt, liệu các CTCK có thỏa thuận ngầm với công ty kiểm toán để “làm đẹp” Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng, vị chủ tịch trên khẳng định, với các CTCK khác thì ông không biết, chứ riêng CTCK do ông đang điều hành sẽ không có chuyện này, bởi tỷ lệ vốn khả dụng của Công ty luôn duy trì gần 300%. Hơn nữa, lâu nay Công ty đã phải gửi Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng lên UBCK, nay nếu kết quả kiểm toán có sự bất thường, thì sẽ bộc lộ tình trạng phi logic. Khi đó Công ty đối mặt với nguy cơ bị kiểm tra và yêu cầu giải trình từ phía UBCK. Bởi vậy, ngoài cơ cấu lại tổ chức, Công ty đành phải triển khai các hoạt động đầu tư sao cho luôn đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.

CTCK thỏa thuận ngầm làm đẹp báo cáo? - 1

Từ 1/6, các CTCK phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng

Những câu hỏi

Từ câu chuyện của vị chủ tịch HĐQT trên làm nảy sinh thắc mắc: khi các CTCK công bố Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng đã qua kiểm toán, mà có dấu hiệu “đẹp” bất thường, UBCK có yêu cầu các CTCK này giải trình, thậm chí có biện pháp buộc điều chỉnh thông tin công bố không, hay coi báo cáo có kiểm toán là chốt chặn cuối cùng? Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, khi phát hiện dấu hiệu bất thường trong Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng đã qua kiểm toán, NĐT, cổ đông có quyền gửi yêu cầu tới các Sở GDCK và UBCK để buộc các CTCK này giải trình công khai không?

Những câu hỏi này xuất phát từ thực tế, trước áp lực của việc kiểm toán và minh bạch Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng, có nguy cơ các CTCK tìm đến thỏa thuận ngầm với công ty kiểm toán, để “làm đẹp” Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng. Trước đề nghị của “thượng đế”, các công ty kiểm toán có dễ “nói không” với CTCK trước đề nghị hợp tác để “làm đẹp” Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng?

Một câu hỏi khác không chỉ NĐT, mà cả thị trường rất muốn UBCK có giải thích rõ ràng hơn là về cách tính và công bố danh sách CTCK bị kiểm soát đặc biệt. Theo cảm nhận của NĐT, trên thực tế, có những CTCK đang có tình trạng sức khỏe tài chính còn tệ hơn nếu so sánh với các CTCK thuộc danh sách 7 CTCK đang nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, tại sao các CTCK này không bị áp dụng các hình thức xử lý theo quy định tại Thông tư 226/2010? Ngoài công bố danh sách các CTCK bị kiểm soát đặc biệt, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT, sắp tới UBCK có công bố danh sách các CTCK bị kiểm soát không?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tân Văn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN