Cổ phiếu ngân hàng: Hết thời vàng ngọc?
Kết quả kinh doanh ngày một khiêm tốn, những thăng trầm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khiến cổ phiếu của các ngân hàng một thời nay không còn giữ được phong độ “hot”. Trên sàn, giới đầu tư cũng không còn coi đây là cổ phiếu vàng ngọc và “cưng” như dạo nào.
Phấn khích với cổ phiếu CTG
Mặc dù vẫn còn ngổn ngang nhiều vấn đề cần giải quyết như tín dụng, nợ xấu, song nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Các cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn niêm yết trên sàn giữ được nhịp độ tăng điểm và sự hứng thú nhất định của giới đầu tư
“Giới đầu tư trên sàn chứng khoán kỳ vọng Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) đi vào hoạt động sẽ tác động tích cực đến hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng dâng lên hay tụt xuống còn phụ thuộc vào chính sách cụ thể của NHNN cũng như xu thế chung của thị trường chứng khoán” Phó tổng giám đốc một CTCK |
Tuần giao dịch vừa qua đánh dấu sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng với mức tăng 3,2%, chỉ xếp sau nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin. Sự nổi bật được thể hiện qua các cổ phiếu như CTG, VCB, EIB, STB, SHB. Trong đó, cổ phiếu CTG (Vietinbank) trở thành tâm điểm trên thị trường.
Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài không gia tăng nắm giữ nhưng CTG vẫn được nhà đầu tư nội hưởng ứng sôi động. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, CTG dẫn đầu trên sàn HSX về thanh khoản với hơn 4 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương hơn 87 tỷ đồng.
Mới đây tổ chức Moody’s Investors Service đánh giá Vietinbank có xếp hạng Tín nhiệm Cơ sở cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam được tổ chức này đánh giá tín nhiệm. Đây có thể là lý do khiến cho cổ phiếu này có 2 phiên tăng mạnh cuối tuần trước.
Tiếp theo CTG, tuần qua được xem là tuần giao dịch khởi sắc của các cổ phiếu ngân hàng còn lại trên sàn HSX như STB, MBB, VCB, EIB. Với tỷ trọng vốn hóa lớn nên ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng lên chỉ số VN-Index là khá mạnh. Điều này phần nào làm cho tâm lý nhà đầu tư thêm hưng phấn.
Trên sàn, giới đầu tư cũng không còn coi đây là cổ phiếu vàng ngọc như dạo nào.
Trên sàn HNX, hai cổ phiếu ngân hàng như ACB, SHB cũng gây tác động không nhỏ đến chỉ số HNX-Index của sàn này. Đáng chú ý là cổ phiếu SHB có thanh khoản rất cao với khối lượng mỗi phiên giao dịch hơn 10 triệu cổ phiếu. Điều này cho thấy bất chấp lợi nhuận thấp, tỷ lệ nợ xấu cao nhưng SHB vẫn là cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư “đánh bạc”.
Cổ phiếu ngân hàng về đâu?
Trong một báo cáo vĩ mô và thị trường chứng khoán tháng 5/2013 vừa công bố, Vietinbank Capital cho rằng, kết quả kinh doanh quý 1/2013 của nhóm ngân hàng niêm yết phản ánh đúng thực trạng của hệ thống ngân hàng hiện nay.
Các ngân hàng có lãi nhưng mức lãi ở mức quá thấp so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, trong khi chi phí trích lập dự phòng rủi ro lại tăng do tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao.
Trong các ngân hàng niêm yết, CTG không còn giữ được vị trí dẫn đầu về lợi nhuận như năm 2012. Quý I/2013, lợi nhuận sau thuế của CTG chỉ đạt hơn 1.042 tỷ đồng, giảm hơn 30%.
Vietinbank Capital nhận định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc lợi nhuận giảm sút là chi phí dự phòng rủi ro tăng lên gấp rưỡi trong quý I. Tín dụng của CTG tăng trưởng âm 3% trong khi huy động vốn tăng 4,7%. Nợ xấu tăng 1,67%.
Theo Vietinbank Capital cho rằng, trong nhóm các ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ hơn, SHB, MBB có tốc độ tăng trưởng tín dụng tương ứng là âm 3,4% và âm 1%; EIB tín dụng tăng không đáng kể 0,03% và ACB có tốc độ tăng cao nhất đến thời điểm hiện tại với 4,2%, STB là 2%.