Cơ hội lãi suất gửi USD vượt 0%

Xem xét lại chính sách trần lãi suất huy động USD 0% nhằm tận dụng được nguồn lực ngoại tệ lớn từ dân cư và để “khớp” với việc mở lại tín dụng ngoại tệ là cần thiết

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ trong năm 2016, trong đó đề cập định hướng kế hoạch huy động vốn bằng ngoại tệ trong nước và quốc tế.

Cầu ngoại tệ tăng

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Tài chính theo dõi, xem xét điều kiện thị trường vốn để linh hoạt huy động 17.000 tỉ đồng thông qua các hình thức như phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế. Lượng vốn huy động dự kiến phát hành bằng trái phiếu ngoại tệ tương đương 800 triệu USD. Hồi tháng 5-2015, Chính phủ lần đầu tiên đã phát hành trái phiếu ngoại tệ huy động thành công 1 tỉ USD từ nhà đầu tư trong nước, cụ thể là Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương (Vietcombank).

Cơ hội lãi suất gửi USD vượt 0% - 1

Cần có chính sách linh hoạt trong huy động ngoại tệ Ảnh: Tấn Thạnh

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ là cần thiết nhưng hiện nay, chủ trương này ở trong tình huống khác khi từ cuối năm ngoái, lãi suất tiền gửi USD của tổ chức, cá nhân được đưa về 0%/năm. Ngoài ra, từ đầu tháng 6-2016, NH Nhà nước đã mở lại kênh tín dụng ngoại tệ cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn trong sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu. Với quy định này, cầu tín dụng ngoại tệ từ các doanh nghiệp sẽ tăng lên, các NH thương mại và cả NH Nhà nước phải quan tâm huy động ngoại tệ.

Nhu cầu lớn, trong khi lãi suất huy động USD chỉ 0% khiến không ít NH thương mại lách quy định để huy động ngoại tệ hoặc chuyển sang vay từ nước ngoài. Trong khi đó, nhiều cá nhân và doanh nghiệp chuyển sang gửi tiền USD không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán. Một hiện tượng khác, do lãi suất 0% nên vẫn còn một lượng lớn ngoại tệ nằm trong dân cư, thậm chí chuyển ra nước ngoài.

Bối cảnh tác động bên trong và ngoài đã thay đổi trong khi nhu cầu vốn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp vẫn cao và trái phiếu Chính phủ chủ yếu huy động ở các kỳ hạn dài. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị NH Nhà nước xem xét lại chính sách trần lãi suất huy động USD 0% nhằm tận dụng được nguồn lực ngoại tệ lớn từ dân cư và cũng để “khớp” với việc mở lại tín dụng ngoại tệ.

Nên cho ngoại tệ sinh lời

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng việc thực hiện chính sách chống đô la hóa là đúng nhưng cần căn cứ vào thực tế. Để chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD quá lớn như hiện nay trong khi duy trì chính sách tỉ giá tương đối ổn định đã đẩy chênh lệch lãi vay giữa VNĐ và USD theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp trong nước so với nước ngoài.

“Nguồn ngoại tệ trong dân còn khá lớn nên việc đưa lãi suất huy động USD về 0% vô hình trung khiến người dân chuyển sang tích trữ ngoại tệ nhiều hơn. Chính sách của nhà nước vẫn là thu hút một lượng kiều hối lớn gửi về hằng năm thì đồng USD chuyển về nước phải được sinh lời. Dù bài toán này không đơn giản nhưng thời điểm hiện tại cần tính toán việc huy động USD có lãi suất” - ông Trần Du Lịch nhìn nhận.

Phó Chủ tịch HĐQT NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng cũng cho rằng việc thực hiện lãi suất huy động USD 0% trong thời gian qua đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hạn chế găm giữ ngoại tệ, ổn định tỉ giá và góp phần tăng dự trữ ngoại hối. Nay, Chính phủ tính phát hành trái phiếu ngoại tệ với tổ chức là hợp lý.

“Để huy động ngoại tệ từ dân cư, hệ thống NH nên áp lãi suất vừa đủ thu hút cho tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức khoảng 0,5%/năm. Việc nâng lãi suất trên 0% sẽ tạo động lực thu hút nguồn ngoại tệ nhàn rỗi từ trong dân” - ông Hưởng gợi ý.

Vậy huy động ngoại tệ với lãi suất trên 0% có gây áp lực lên tỉ giá? Theo vị lãnh đạo LienVietPostBank, chắc chắn sẽ có tác động nhất định đối với tỉ giá, có thể “sóng sánh” ban đầu nhưng chênh lệch lãi suất VNĐ - USD vẫn được giữ ở mức hấp dẫn thì không đáng lo. Cơ chế điều hành tỉ giá đã chủ động, linh hoạt hơn rất nhiều so với trước đây nên có thể ứng phó tốt với biến động trên thị trường.

Áp lực tăng lãi suất cho vay

NH TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) vừa đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi với mức lãi suất tối đa lên đến 7,7%/năm. Theo đó, khi gửi tiết kiệm thông thường kỳ hạn 13 tháng, lãi suất là 7,5%/năm nhưng với sản phẩm tiết kiệm 39+ (dành riêng cho khách hàng từ 39 tuổi trở lên) ở kỳ hạn 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất được cộng thêm 0,2%/năm.

Lãi suất huy động cũng có xu hướng nhích lên ở một số NH thương mại gần đây. Tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nếu gửi tiết kiệm online thông thường kỳ hạn 1 tháng, lãi suất là 4,6%/năm nhưng nếu khách hàng tham gia chương trình khuyến mãi, lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 1 tháng tăng lên 5,1%/năm...

NH Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng 4-2016, huy động tiền gửi tăng 4,01% so với cuối năm 2015, trong khi tín dụng mới tăng khoảng 4%. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với các doanh nghiệp, lãi suất cho vay đã được phát tín hiệu giảm tại một số NH thương mại. Dù vậy, ủy ban này lại cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa thể thay đổi ngay. Thị trường đang kỳ vọng về khả năng giảm nhẹ lãi suất cho vay nhưng cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm và kỳ vọng lạm phát, áp lực tỉ giá lớn hơn vào cuối năm sẽ gây sức ép đáng kể lên lãi suất cho vay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN