Chứng khoán hết thời sóng “chém gió”

Thanh khoản sụt giảm đột biến bất chấp những thông tin nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất đòn bẩy, lạm phát thấp là minh chứng rõ ràng nhất cho việc TTCK đã biến đổi về chất trong đánh giá cơ hội đầu tư.

Tiền nhiều hay ít?

Xu hướng nới lỏng tiền tệ đã khá rõ ràng cho đến thời điểm này. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, thông tin mỗi tháng có thể giải ngân khoảng 21.000 tỉ đồng đã làm nức lòng giới đầu tư CK, nhưng cũng chỉ được duy nhất một vài phiên lình sình. Việc tiền dư thừa trong hệ thống NH càng rõ với việc các NHTM liên tục tung ra các gói cho vay giá rẻ, hạ lãi suất huy động. Hơn một tuần gần đây, hiện tượng nới lỏng tiền tệ cũng lan đến các CTCK. Hàng loạt Cty thông báo hạ lãi suất của dịch vụ đòn bẩy (margin) rất mạnh, từ mức trên 22% xuống chỉ còn 18 - 19%/năm.

Tuy nhiên tình trạng thờ ơ với dịch vụ đòn bẩy lại phổ biến ở nhiều CTCK. Khảo sát sơ bộ với 4 Cty, hầu hết đều biết NĐT không mấy mặn mà sử dụng dịch vụ này. “Lãi suất giảm nhưng không nhiều người vay” - Phó Tổng GĐ một CTCK vừa thông báo hạ lãi suất margin xuống cho biết. Nguyên nhân chính vẫn là thị trường chưa có tín hiệu nào về một khả năng bứt phá tạo sóng. “NĐT bây giờ khôn lắm, hết thời xài đòn bẩy vô tội vạ rồi. Số dư tiền trong tài khoản khách hàng vẫn còn. Khi tiền “thịt” còn chưa dùng hết thì đòn bẩy mà làm gì” - nguồn tin nói trên tiết lộ.

Quan điểm từ NĐT nước ngoài, chuyên gia phân tích Fiachra Mac Cana của CTCK HSC cho rằng giới đầu tư có lẽ cũng đã tỏ ra thận trọng hơn đối với thông tin đưa 21.000 tỉ đồng vốn/tháng vào nền kinh tế. Việc này đã được lên kế hoạch và sau khi ban hành Quyết định 13 vào tháng trước, điều mà NĐT có thể kỳ vọng là việc đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn. Do đó, đây không thể được coi là tiền mới như nhiều người kỳ vọng.

TTCK đã chứng kiến những đợt tăng trưởng cực mạnh về thanh khoản trong khoảng giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 vừa qua. Hàng chục ngàn tỉ đồng giá trị giao dịch được thực hiện mỗi tuần là con số khổng lồ trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ. Thanh khoản sụt giảm từ đầu tháng 6 trở lại đây chứng tỏ một lượng tiền lớn vẫn đang nằm trong thị trường. Lượng vốn này đang kẹt lại và có chi phí cao so với lượng tiền rút ra. Không thể tính toán được lượng vốn đã rút đi hẳn – chẳng hạn việc thoái vốn của các quỹ đầu tư – là bao nhiêu, nhưng chắc chắn một lượng lớn vẫn nằm trong tài khoản giao dịch, nhưng đang ở trạng thái đóng băng hoặc chỉ tham gia nhỏ giọt. Kích thích được lượng tiền này quay lại mua không thể là điều một sớm một chiều.

Chứng khoán hết thời sóng “chém gió” - 1

Một lượng tiền lớn vẫn đang nằm trong thị trường. Nguồn: VinaCorp

Tăng trưởng tín dụng: Vẫn chưa đủ kích thích?

Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, câu chuyện lạm phát thấp hay giảm lãi suất không có nhiều tác dụng nâng đỡ thị TTCK. Tuy nhiên điều lạ là ngay cả khi xuất hiện thông tin về mức tăng trưởng cho vay nhúc nhích tăng cũng không thu hút được sự quan tâm đáng kể nào. Theo thông tin công bố chính thức từ NHNN chi nhánh TPHCM, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 15.6 ước tăng 1,96% so với cuối năm ngoái, đạt khoảng 779.000 tỉ đồng. Trong đó, cho vay sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 85% tổng dư nợ cho vay. Tại Hà Nội, tổng dư nợ cho vay tháng 6.2012 đạt 598.221 tỉ đồng, tăng 0,5% so cuối tháng trước và tăng 2,1% so cuối năm 2011.

Tăng trưởng tín dụng là thông tin quan trọng nhất vào thời điểm kinh tế trì trệ. Nó phát đi tín hiệu tình trạng tiền được lưu thông tốt hơn trong nền kinh tế, kích thích sản xuất. Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là TTCK có thể “nhảy dựng” trước những thông tin như vậy. Quan điểm đánh giá của giới đầu tư đã cẩn trọng hơn nhiều, hay nói cách khác đã qua cái thời CK phản ứng quá mức với bất kỳ thông tin tốt nào, ngay cả với những lời hứa hẹn hay kế hoạch. Điều mà NĐT cần hơn là bằng chứng cụ thể về tăng trưởng, về sản xuất và sức cầu tiêu dùng tăng lên, hàng tồn kho được giải phóng.

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng bình quân 2%/tháng trong 6 tháng cuối năm ban đầu được liên tưởng đến một đợt bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế. Tuy nhiên ngay sau đó, TTCK đã phản ứng ngược vì mối hồ nghi về tính khả thi lại lớn hơn. Việc bơm tiền vào hệ thống NH lúc này chưa hẳn đã đảm bảo tăng trưởng tín dụng vì chỉ có hiệu quả nếu thực hiện cho vay theo chỉ định. Vấn đề nợ xấu, rủi ro cho vay dưới chuẩn là rào cản cho việc bơm vốn của các NHTM. Theo HSC, dù giả định nền kinh tế sẽ phục hồi trong nửa cuối năm và hoạt động cho vay có điều tiết được thực hiện mạnh mẽ, thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-13% vào cuối năm có lẽ vẫn quá cao. “Chúng tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng theo tháng có thể đạt khoảng 1% trong bối cảnh các NH vẫn còn lo ngại rủi ro nợ xấu. Và nếu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 8% thì cũng đã là rất khả quan”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN