Chủ động ứng phó khả năng TPP bất thành

Sự kiện: Kinh Doanh

Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố ý định rút nước này khỏi Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi nhậm chức. Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ mất nhiều lợi thế nhờ TPP mang lại. Dù vậy, cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đều phải tính trước các phương án có và không có TPP cho chiến lược phát triển các năm tiếp theo.

Chủ động ứng phó khả năng TPP bất thành - 1

Dệt may được coi là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Không có TPP, Trung Quốc sẽ làm chủ khu vực

TPP đã được đại diện 12 nước thành viên ký kết ngày 4/2/2016 tại Auckland (New Zealand), hiện đang được các nước thành viên trình Quốc hội thông qua, trong đó Nhật Bản và Malaysia đã thông qua rồi. Ðây là một hiệp định thương mại kiểu mới của Thế kỷ 21, với 5.544 trang tiếng Anh (cả phụ lục). Hiệp định quy định chi tiết một nền thương mại quốc tế không còn rào cản thuế quan, công khai, minh bạch, với những cam kết chi tiết về cạnh tranh bình đẳng và các quy định thuận lợi hóa thương mại…

Nếu không có TPP hay TPP không có Mỹ, Trung Quốc sẽ làm chủ khu vực, cân bằng chiến lược  giữa các bên sẽ nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, nhiều chính sách thương mại (như trợ giá xuất khẩu) còn thiếu minh bạch. Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc cạnh tranh về nhiều mặt trên thế mạnh với Việt Nam như sắt thép, xi măng, may mặc, da giày... Nên nếu không có TPP, sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc sẽ tăng lên rõ rệt với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ðồng thời, với Việt Nam, ký kết TPP là bước tiến quan trọng trong hội nhập quốc tế và cải cách thể chế về quản lý kinh tế, đưa nền quản lý nhà nước tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế. Hơn thế nữa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, khi Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, và kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa 2 nước tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000 mới đạt 1,2 tỷ USD, năm 2010 đã tăng lên 18,01 tỷ USD và năm 2015 đã vượt mốc 41,43 tỷ USD. Hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có cấu trúc chủ yếu bổ sung cho nhau, ít có những sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh nhau, nên phát triển quan hệ thương mại song phương đều đem lại lợi ích cho cả hai bên theo kịch bản “cùng thắng” (win-win).

Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ðồng thời, trong 10 nước ASEAN, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ từ tỷ trọng không đáng kể (1% năm 2002), nhanh chóng trở thành nước ASEAN xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ (chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối ASEAN vào Hoa Kỳ năm 2015). Những sản phẩm dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ, các mặt hàng nông - thủy sản (như tôm, cá và trái cây) của Việt Nam đã được người tiêu dùng Hoa Kỳ chấp nhận. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2015 đạt 11 tỷ USD (chiếm 40% tổng xuất khẩu dệt may của nước ta). Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ hai vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Tiềm năng cho phát triển thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam còn rất lớn. Dự báo, nếu TPP được phê duyệt và thực hiện, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ có thể đạt 57 tỷ USD vào năm 2020 (tăng 127% so với năm 2015).

Chủ động ứng phó khả năng TPP bất thành - 2

TS Lê Ðăng Doanh, Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc.

Nếu sân chơi lớn vắng Mỹ?

Triển vọng tốt đẹp trên đã phần nào bị lu mờ bởi chính sách thương mại theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và hạn chế quá trình toàn cầu hóa của ông Donald Trump. Ông Donald Trump đã tuyên bố, ông có ý định rút nước này khỏi TPP ngay khi nhậm chức. Không rõ ông Donald Trump thực hiện tuyên bố này đến đâu, nhưng khả năng TPP bị đẩy lùi hoặc phải thực hiện không có nền kinh tế lớn nhất hành tinh là Mỹ có nguy cơ xảy ra.

Nếu không có TPP, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phát triển, song với tốc độ chậm hơn và dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Dễ nhận thấy nhất, không có TPP, hàng rào thuế quan với các sản phẩm của nước ta sẽ chưa được Mỹ gỡ bỏ. Như gạo Việt Nam vẫn chịu thuế 7% (không được giảm xuống 0% như có TPP) và phải tiếp tục cạnh tranh bình đẳng với gạo Thái Lan, Ấn Ðộ, kéo theo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ sẽ chậm hơn. Tương tự, hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% nếu có TPP và dự kiến sẽ tăng trưởng cao, có thể đạt kim ngạch 20-25 tỷ USD vào năm 2020, cán đích 55 tỷ USD vào năm 2030. Ðiều này góp phần làm tăng mạnh mẽ kim ngạch thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, nếu không có TPP, hàng dệt may Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ sẽ tuân thủ theo Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt Nam - Hoa Kỳ (ký năm 2001), và các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ mức 20% (có TPP) xuống còn khoảng 7-10% (không có TPP). Diễn biến này còn phụ thuộc vào quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Nếu ông Donald Trump thực hiện lời hứa đánh thuế 45% vào hàng hóa từ Trung Quốc, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ nổ ra và có khả năng Việt Nam bị “cháy thành vạ lây”. Khi đó, Mỹ có thể tìm cách áp đặt một số biện pháp hạn chế áp dụng cho hàng hóa Trung Quốc sang những hàng hóa cùng chủng loại của Việt Nam. Như trong quá khứ, Mỹ muốn hạn chế thép Trung Quốc nên tăng thuế nhập khẩu với nước này và đánh cả vào thép cùng chủng loại của Việt Nam.

Phía Mỹ có nhiều khả năng sẽ tăng các rào cản kỹ thuật về thương mại và áp đặt thuế chống bán phá giá lên các hàng hóa Việt Nam nếu như hàng hóa nhập khẩu vượt tỷ trọng khoảng 8% tổng thị phần của Mỹ. Trong khi hàng dệt may Việt Nam năm 2015 đã chiếm 8,7% tổng thị phần của Mỹ, rất có thể phía Mỹ sẽ sử dụng một số biện pháp kỹ thuật để hạn chế hàng dệt may Việt Nam.

Ðiều này đòi hỏi các cơ quan hữu quan phải xây dựng 2 phương án (có hoặc không có TPP) để có các biện pháp ứng phó thích hợp. Các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ cũng phải chuẩn bị những thị trường tiềm năng để sẵn sàng thay thế khi có các biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Mỹ. Dĩ nhiên, không thể tìm được thị trường nào to lớn có thể thay thế hoàn toàn thị trường Mỹ, song vẫn cần có biện pháp hạn chế thiệt hại ở mức độ nhất định, khi TPP không thành công và Mỹ có biện pháp hạn chế hàng Việt.

Việc ngưng hay hủy TPP sẽ là một bước thụt lùi và gây ra những tác động tiêu cực tới quan hệ thương mại Việt - Mỹ, điều chúng ta không mong muốn. Hy vọng, với nỗ lực nhiều mặt, nhiều nước, các bên tham gia TPP có thể tránh được trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

TPP không chỉ được mong đợi mang lại lợi ích liên kết chặt chẽ của 12 nền kinh tế giữa hai bờ Thái Bình Dương. TPP còn có ý nghĩa chiến lược, địa chính trị (geopolitical) vì tạo ra sự hợp tác, gắn kết kinh tế chặt chẽ giữa Việt Nam và 11 nền kinh tế quan trọng khác, trong đó, ngoài Hoa Kỳ, nền kinh tế Nhật Bản cũng bổ sung cho kinh tế Việt Nam. Về mặt chiến lược, TPP là đối trọng cho RCEP (Hiệp định Ðối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Australia, NewZealand).

TS Lê Ðăng Doanh (Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS Lê Đăng Doanh (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN