Chống đô la hóa

Giảm tỉ trọng tiền gửi ngoại tệ xuống 15% vào năm 2015 và chấm dứt tình trạng đô la hóa trước năm 2020

Theo tiêu chí của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một nền kinh tế được coi là có tình trạng đô la hóa cao khi tỉ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm từ 30% trở lên trong tổng khối tiền tệ mở rộng.

Gửi ngoại tệ còn 12%

Theo tiêu chí này, Việt Nam được IMF xếp vào nhóm quốc gia đô la hóa không chính thức - nghĩa là ngoại tệ không được coi là đồng tiền lưu chuyển hợp pháp trên thị trường trong nước nhưng người dân vẫn dùng ngoại tệ giao dịch và giữ làm tài sản. Trong giai đoạn 2000 -2003, tỉ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm trung bình 28%-30% và cao nhất là gần 32% trong tổng phương tiện thanh toán.

Chống đô la hóa - 1

Công tác chống đô la hóa đang tiến triển khả quan, nhờ đó thị trường ngoại hối ổn định. Ảnh: TẤN THẠNH

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI), cho biết từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết liệt thực hiện đề án chống đô la hóa, với mục tiêu giảm tỉ trọng tiền gửi ngoại tệ xuống 15% vào năm 2015 và chấm dứt tình trạng đô la hóa trước năm 2020. Để thực hiện chủ trương này, động thái đầu tiên của NHNN là tăng mạnh dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ nhằm tạo ra một khoảng chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi nội tệ và ngoại tệ, cũng như lãi suất cho vay của nội tệ và ngoại tệ. Như vậy, ngân hàng thương mại (NHTM) buộc phải hạ thấp lãi suất huy động, tăng lãi suất cho vay bằng đô la, khiến đồng đô la không còn hấp dẫn, kích thích người dân chuyển đổi sang VNĐ. Doanh nghiệp cũng nhận thấy chuyển sang vay nội tệ có lợi hơn và bản thân ngân hàng cũng thấy huy động/cho vay ngoại tệ không có lãi bằng VNĐ. Bên cạnh đó, NHNN cũng giảm mạnh trạng thái ngoại hối của các NHTM, áp trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ thấp hơn và yêu cầu kết hối ngoại tệ 100% đối với doanh nghiệp nhà nước.

Sau hàng loạt giải pháp như trên, quá trình chống đô la hóa đã tiến triển khả quan. Cuối năm 2012, tỉ trọng vốn huy động ngoại tệ đã giảm từ mức 19,5% (năm 2011) xuống 14,6%, tỉ trọng tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ 15,84% xuống 12,36%, tỉ trọng dư nợ ngoại tệ trên tổng dư nợ tín dụng giảm từ 20% xuống 17,5%. Đến hết tháng 8 năm nay, tỉ trọng tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán chỉ còn 11,82%. Quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ chuyển dần sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, nhờ đó đến thời điểm này, dư nợ bằng ngoại tệ giảm 11,5%, trong khi dư nợ bằng VNĐ tăng 10,4% so với năm 2012.

Xem xét chính sách neo tỉ giá

Từ kết quả trên, bức tranh tỉ giá và thị trường ngoại tệ khá ổn định, chỉ có một vài biến động ngắn hạn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN. Điều này khác hẳn với những cú sốc điều chỉnh tỉ giá đến 9,3% vào ngày 11-2-2011. Gần 2 năm nay, NHNN giữ biên độ giao dịch 1%, tỉ giá bình quân liên ngân hàng giữ ở mức 20.828 đồng/USD. Năm 2013, NHNN phát tín hiệu tỉ giá sẽ tăng từ 2%-3% và đến cuối tháng 6-2013 mới tăng thêm 1%.

TS Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, đánh giá nhờ sự ổn định của chính sách tỉ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng nên kênh lãi suất gần đây bắt đầu phát huy được tác dụng hiệu quả, các NHTM đã nương theo lãi suất điều hành của NHNN. Cũng không còn tình trạng mỗi khi biến động tỉ giá, tiền gửi nội tệ lập tức được chuyển sang ngoại tệ khiến các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất nội tệ.

Tuy nhiên, theo TS Đào Lê Minh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mục tiêu cân bằng nội - ngoại tệ vẫn chưa đạt, tỉ lệ lạm phát giảm nhưng diễn biến tỉ giá chưa thực sự phản ánh được sự ổn định của đồng nội tệ. Bên cạnh đó, một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc duy trì chế độ tỉ giá neo với USD ở biên độ hẹp trong một thời gian dài với điều kiện dự trữ ngoại hối mỏng, thị trường ngoại hối chưa phát triển và thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá cũng là một hạn chế trong chính sách điều hành tỉ giá của NHNN hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN