Chính phủ quản lý Công ty mua bán nợ xấu quốc gia

Công ty mua bán nợ xấu quốc gia sẽ không thuộc Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính như đã bàn luận trước đó.

Tại Lễ công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng thế giới (WB) diễn ra ngày 21/1, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong tháng này, khung pháp lý cho công ty mua bán nợ xấu quốc gia (AMC) sẽ được hoàn tất và cơ quan này sẽ trực thuộc chính phủ, thay vì Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính.

Nêu quan điểm về việc thành lập công ty này, ông Deepak Mishra - chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng, khi thành lập AMC, Việt Nam cần tính kinh phí, định giá tài sản và có quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.

Trở lại với nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu, nêu rõ: Môi trường kinh tế toàn cầu vẫn còn rất mong manh và có thể tiếp tục gây thất vọng, mặc dù rủi ro hiện nay đã bớt nghiêng theo hướng tiêu cực hơn so với những năm gần đây. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ ở mức khá yếu, vào khoảng 2,3% trong năm 2012 và 2,4% vào năm 2013, sau đó dần dần mạnh lên đến 3,1% trong năm 2014 và 3,3% trong năm 2015.

Kinh tế Việt Nam vẫn khó!

Bình luận về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng: “Chúng ta phải phục hồi kinh tế trong ngắn hạn trong khi vẫn phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng nếu kích thích quá đà thì lạm phát quay trở lại”.

Theo ông Thành, trong nửa đầu năm 2013, Chính phủ sẽ đẩy mạnh chính sách tài khoá trong bối cảnh chính sách tiền tệ không thể bơm vốn ra nền kinh tế như cần thiết do nợ xấu và nỗi bận tâm xử lý ngân hàng yếu kém. Xử lý nợ xấu còn rất chậm trễ do thiếu kiên quyết, triệt để và những lo ngại bị quy là “nhóm lợi ích”. “Cái khó là phối hợp thời gian cho các chính sách như thế nào bởi lòng tin thị trường ở Việt Nam chưa tốt. Nếu phối hợp không đúng thì sẽ phá hỏng lòng tin đó, chưa kể cú sốc từ bên ngoài” – ông Thành lưu ý.

Cũng theo chuyên gia này, chúng ta nên mạnh dạn để một số ngân hàng yếu kém ra đi, không nên giữ quan điểm không để ngân hàng nào phá sản. Chúng ta có thể chấp nhận sự ra đi của một ngân hàng nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định của toàn hệ thống.

Còn theo Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Deepak Mishra, dư địa chính sách đã trở nên rất eo hẹp để Việt Nam lựa chọn nhằm cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích nền kinh tế đang lâm vào tình thế khó khăn. “Ngân hàng Thế giới chưa thấy có giải pháp nào tuyệt đối thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do còn nhiều điểm yếu nội tại trong nền kinh tế" – ông Deepak Mishra nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có tăng trưởng từ năm 2010 sau khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 2008-2009. Thế nhưng, đến năm 2012 nền kinh tế lại rơi vào suy thoái và tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1995. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được vị chuyên gia kinh tế này là “do những điểm yếu nội tại của nền kinh tế”.

Về những khó khăn của Việt Nam trong năm 2013, ông Deepak Mishra cho rằng: Vốn FDI giải ngân của Việt Nam trong năm 2013 vào khoảng 7,3 tỉ đô la Mỹ, tương đương như năm 2012. Ông cũng bày tỏ lo ngại trước con số ước tính này. Bởi “Lẽ ra vốn FDI trong năm tới ước tính phải tăng lên cùng với quy mô kinh tế” – ông này nói.

TS Võ Trí Thành cho rằng, chính sách tiền tệ có thể bớt chặt chẽ hơn vào cuối năm. Tuy nhiên, theo cảm nhận của ông Mishira, chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu tăng tốc. Trong hai tháng gần đây, cung tiền tăng nhanh, lãi suất giảm xuống, thanh khoản tốt hơn. “Việt Nam có nguy cơ nới lỏng các chính sách tài khóa tiền tệ sớm khiến lạm phát quay trở lại. mức lạm phát lạm phát cơ bản của Việt Nam vẫn cao, khoảng 11%, vẫn đang là thách thức rất lớn vì làm giảm sút năng lực cạnh tranh quốc gia” – ông Mishira cảnh báo./. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Hạnh (VOV online)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN