Chỉ nên “tiếp máu” cho NH đáng sống

Các chuyên gia nhìn nhận, việc xử lý nợ xấu của khối ngân hàng hiện gặp nhiều khó khăn, nên không dễ sớm mang lại hiệu quả như mong đợi. Muốn khắc phục tình trạng này, cần định vị lại tư duy về xử lý nợ xấu.

Nên bắt đầu từ “cái chết lành mạnh”

Tại Hội thảo “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam”, do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thuộc Bộ Tài chính vừa diễn ra, ý kiến cho rằng việc xử lý nợ xấu nên bắt đầu từ những “cái chết lành mạnh” đã thu hút được nhiều sự quan tâm.

Theo TS. Quách Mạnh Hào, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), với thông điệp không để cho ngân hàng nào đổ vỡ của cơ quan quản lý, thì tất cả các ngân hàng đều yên tâm sẽ được xử lý nợ xấu. Điều này có thể tạo ra hệ lụy tiêu cực. Thực tế, không ít ngân hàng quy mô nhỏ thời gian qua luôn dẫn đầu các cuộc chạy đua tăng lãi suất, nếu không muốn nói là huy động tiền trong dân bằng mọi giá. Hệ quả là khi bối cảnh vĩ mô bất ổn như hiện tại, thì nợ xấu tăng nhanh… Với những ngân hàng như vậy mà Nhà nước vẫn đứng ra bảo hộ xử lý nợ xấu là không bình thường. Điều này, ở một khía cạnh nào đó có nguy cơ gián tiếp “bật đèn xanh” cho các ngân hàng tiếp tục cho vay dễ dãi, khiến cho nợ xấu chồng lên nợ xấu?

Với cách tiếp cận như vậy, ông Hào khuyến nghị, việc xử lý nợ xấu cần tiến hành theo hai bước. Bước một là bắt đầu từ những “cái chết lành mạnh”. Nghĩa là cơ quan quản lý cần triển khai các giải pháp đồng bộ, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, để sẵn sàng cho những ngân hàng có nợ xấu cao, quản trị rủi ro và khả năng hoạt động kém được giải thể, phá sản, hoặc sáp nhập. Bước hai, sàng lọc thành các nhóm ngân hàng có tỷ lệ và đặc trưng nợ xấu khác nhau, để xử lý theo nguyên tắc chỉ “tiếp máu” cho các ngân hàng đáng sống.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Lưu, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho rằng, đã đến lúc có các giải pháp đồng bộ để cho phá sản các ngân hàng làm ăn yếu kém, có tỷ lệ nợ xấu cao, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống. Điều này vừa giúp dần “làm sạch” hệ thống ngân hàng thông qua quy luật đào thải của thị trường, vừa giảm thiểu sức ép cho Nhà nước về thu xếp nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu.

Chỉ nên “tiếp máu” cho NH đáng sống - 1

AMC cần được xây dựng cơ chế vận hành tách bạch 2 chức năng: công ích và kinh doanh.

Lập công ty xử lý nợ xấu, mô hình nào?

Cho rằng việc thành lập Công ty xử lý nợ xấu quốc gia (AMC) là cần thiết, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nên thành lập AMC mới, hay nâng cấp DATC hiện tại.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khuyến nghị, không nên thành lập AMC mới, vì việc này mất nhiều thời gian, trong khi yêu cầu xử lý nợ xấu đang đặt ra bức bách. Bởi vậy, trong điều kiện của Việt Nam hiện tại, nên tính đến phương án nâng cấp DATC, để đảm đương nhiệm vụ của một công ty xử lý nợ xấu quốc gia. Trong đó, điều quan trọng khi xây dựng cơ chế cho công ty này vận hành là phải tách bạch 2 chức năng: công ích và kinh doanh.

Theo đó, đối với chức năng xử lý các khoản nợ xấu theo chỉ định của Chính phủ, có thể cho phép Công ty chấp nhận lỗ khi tiếp nhận. Tuy nhiên, với chức năng kinh doanh thì cần có cơ chế buộc AMC phải hoạt động theo cơ chế thị trường, lời ăn lỗ chịu.

“Việc thành lập AMC mới hay nâng cấp DATC cần cân nhắc thêm…”, ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chia sẻ quan điểm đồng thời nhấn mạnh, điều quan trọng là khi thiết kế cơ chế hoạt động cho AMC, cần làm rõ trong trường hợp nào thì Chính phủ phải quyết định giá mua, bán. Điều này nhằm xử lý thực tế, bên có nợ xấu luôn muốn bán giá cao, còn bên mua luôn muốn mua với giá thấp nhất.

Để đảm bảo tính độc lập của AMC, ông Tuyển khuyến nghị, trong ban lãnh đạo của AMC không nên có đại diện các ngân hàng thương mại. Nên cân nhắc cơ cấu HĐQT của AMC theo hướng, Chủ tịch là đại diện Bộ Tài chính, Tổng giám đốc điều hành là đại diện Ngân hàng Nhà nước, các ủy viên HĐQT gồm đại diện Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam…

Bà Dương Thu Hương, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, nợ xấu của khối ngân hàng tăng nhanh hiện tại có nguyên nhân lớn từ tình trạng hàng tồn kho cao của DN. Thế nhưng, việc xử lý nút thắt quan trọng này lại chưa được đặt ra rốt ráo trên bàn nghị sự của các cấp quản lý. Bởi vậy, các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ có khiếm khuyết lớn, nếu không bao gồm các giải pháp đồng bộ xử lý hàng tồn kho. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương dành nguồn lực lớn hơn để cùng với DN xử lý sớm tình trạng hàng tồn kho cao. Qua đó, góp phần quan trọng để giải quyết nợ xấu của các ngân hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Đạo (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN