Cắt cơn cho… ngoại tệ

Bước sang ngày thứ 10 ngày của lần điều chỉnh tỷ giá 1%, theo biểu niêm yết sáng 8/7 tại nhiều ngân hàng thương mại, giá USD mua chuyển khoản đã ở mức 21.240 VND.

Bên ngoài chợ đen, giá bán đã nâng lên 21.850 VND. Sự chênh lệch khoảng cách giá bán giữa trong - ngoài tại thời điểm này cho thấy “sóng” ngoại tệ vẫn còn lẩn quất.

Cắt cơn cho… ngoại tệ - 1
Cầu đô-la thị trường tự do đang tăng mạnh thực hay “ảo”?. Ảnh: PV.

Đầu giờ chiều 8/7 qua điện thoại, một tay buôn bán nhỏ lâu năm ngoài thị trường cho hay: Báo giá bán ra lúc này đã lên tới 21.855 VND/USD. Nếu là chỗ thân quen cũng chỉ bớt được 5 đồng. Mua bán vẫn thoải mái”. Hỏi về nguồn cung, tay này cho biết đến hiện vẫn lo được ở số lượng vừa phải, còn lớn quá thì phải báo trước. Khách hỏi và đặt hàng cũng tăng lên từng ngày cả về số và lượng.

“Việc lên tới 22.000 VND/USD là không có gì phải bàn cãi, chỉ không biết có bật lên trên ngưỡng 22.000 VND nữa hay không thôi, khó nói trước lắm? Tay buôn trên nói rồi dẫn giải: “sốt USD ngoài thị trường tự do cũng bơi “cầu” đang tăng mạnh. Lãi suất tiết kiệm thấp, vàng đắt quá nên nhiều người chuyển sang ngoại tệ lắm. Ngẫm lại cũng đúng, ngày xưa chỉ 1 tờ (100 USD) còn mua được đến hai chỉ vàng, giờ chưa đầy nửa chỉ, vàng đắt quá thể, trách gì”.

Cứ chênh lệch trong ,ngoài lớn thế này ngân hàng sẽ không mua được trong khi nhu cầu mua ngoại tệ của người dân đi học, đi du lịch, khám chữa bệnh nước ngoài lại tăng mạnh”.

Phó giám đốc một NHTM

Cuối tuần trước, căng thẳng ngoại tệ khiến cả thị trường ngân hàng được phen nháo nhào. Một số đại diện NHTM lưu ý đang cận kề tình trạng âm tài khoản và sốt ruột vì chờ động thái từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đến ngày hôm nay, trò chuyện với Tiền Phong, Phó giám đốc Sở giao dịch một NHTNM than: “Tình hình vẫn căng quá. Ngân hàng Nhà nước chưa bơm may chúng tôi vẫn chưa âm tài khoản tự cân đối được. Nhưng cứ chênh lệch trong ngoài lớn thế này, ngân hàng sẽ không gom được trong khi nhu cầu mua bán ngoại tệ của người dân đi học, đi du lịch, khám chữa bệnh nước ngoài lại tăng mạnh.

“Hiện chúng tôi vẫn chỉ bán theo đúng định mức cho người dân đi nước ngoài là 100 USD/ngày, chưa kể thực hiện quán triệt đi nước nào bán tiền nước đó, ví như đi Sing thì bán đô Sing…”.

Vì sao “sóng” ngoại tệ lại dậy lên đột ngột tăng mạnh, từ phía cả các ngân hàng thương mại lẫn thị trường tự do đến vậy? Phụ trách ngoại hối một ngân hàng lớn thừa nhận: Sóng đang bị “đánh” từ mấy phía. Điều chỉnh tỷ giá trong bối cảnh giá vàng vẫn đi lên, VND mất giá. Điều này tạo hiệu ứng tâm lý khiến một bộ phận người dân xao động chuyển sang găm giữ USD, chưa kể một bộ phận giới đầu cơ có sóng tranh thủ “lướt” (Trước đó, một số ngân hàng, tổ chức cũng không bỏ lỡ cơ hội gom hàng - PV).

Thứ nữa, đây đúng vào thời điểm giá vàng thế giới giảm mạnh, trong khi giá vàng trong nước vẫn đứng ở mức cao chênh tới hơn 6 triệu đồng/lượng (vàng trong nước khoảng 37,8 triệu đồng/lượng). Tất cả tạo một tâm lý găm giữ đô la thậm chí có thể “gom” vàng nhập lậu bán ăn chênh lệch.

Còn việc không giảm giá vàng tại thời điểm này thì quá dễ hiểu, suốt 40 phiên đấu thầu qua, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng đã mua vàng giá cao. Lúc này đời nào họ chấp nhận thực tế nghiệt ngã: Lỗ lớn!

Ngân hàng Nhà nước sẽ “bốc thuốc” đặc trị nào cắt cơn sốt này? Theo một chuyên gia, việc bơm ngoại tệ vào thị trường qua kênh các ngân hàng thương mại thì đã hắn nhưng bơm bao nhiêu và bơm thế nào là vừa là đủ, chưa ai dám chắc? Cụ thể hơn, chuyên gia này chỉ ra”: Các động thái can thiệp hay “xuống tiền” sẽ dựa trên cơ sở thực tế trạng thái ngoại tệ chung của hệ thống. Mà trạng thái này thì như chính NHNN cũng như các NHTM thừa nhận, tất cả đều hiển hiện trên tài khoản không giấu đi đâu được. Chỉ ngại, nhu cầu của thị trường lớn, sẽ ngốn một khoản không nhỏ từ dự trữ ngoại hối mà bây lâu NHNN phải cần cù “năng nhặt chặt bị”

Thông tin cập nhật trong ngày đầu tuần cho thấy trạng thái âm đã giảm, thậm chí tự thân hệ thống cân đối được mà không cần bán ra hỗ trợ. Bản thân khối NHTM lớn cũng cho rằng sớm muộn sẽ “cắt cơn”. Tuy nhiên, so sánh với các đợt “sóng sánh” của hơn năm trở lại đây, thấy đợt này vẻ như phức tạp, hơn bởi ít nhiều có sự tham gia của đủ bộ từ chính các NHTM, công ty tài chính, giới đầu cơ vàng, ngoại tệ. Và e ngại hơn cả, chính là tiềm ẩn tâm lý kỳ vọng giá sẽ còn được “thổi” lên ngoài tầm kiểm soát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN