USD tự do “nung nóng” tỷ giá ngân hàng
Sức nóng của tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do chiều ngày 22.4 chính thức lan nhiệt sang tỷ giá mua bán niêm yết tại các ngân hàng thương mại và khiến giá đồng bạc xanh tăng tới 30 đồng mỗi USD.
Cơn sốt tỷ giá ngoại tệ bùng phát vào cuối tuần qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt khi đến trưa nay, mỗi USD vẫn được nhiều cửa hàng trên một số tuyến phố của Hà Nội mua bán với giá 21.250 – 21.500 đồng/USD. Đây vẫn là mức giá cao nhất của tỷ giá trên thị trường “chợ đen” tính từ cuối ngày 18.4 – thời điểm được cho bắt đầu xuất hiện rất nhiều các tin đồn thất thiệt liên quan đến việc NHNN sẽ tiến hành đổi tiền trong thời gian tới.
Ở thời điểm cuối ngày 18.4, tỷ giá trên thị trường tự do bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh và giá bán ra mỗi đồng USD lúc này bất ngờ tăng lên 21.250 đồng- từ mức phổ biến 21.150 đồng/USD thời gian ngắn trước đó. Cho đến sáng ngày 20.4, giá đồng bạc xanh bán ra tiếp tục tăng vọt và có thời điểm lập đỉnh 21.520 đồng/USD.
Đến chiều tối ngày 22/4, cơn sốt USD trên thị trường tự do bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt, đặc biệt sau thời điểm Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) chính thức lên tiếng bác bỏ tin đồn đổi tiền. Một cửa hàng trên phố Hà Trung (Hà Nội) vào thời điểm 17h chiều nay thông báo, giá USD mua vào và bán ra hiện được giao dịch ở mức 21.270-21.320 đồng/USD, giảm tới 180 đồng ở chiều bán ra so với thời điểm buổi sáng.
Song có một diễn biến khá bất ngờ, các ngân hàng thương mại (NHTM) sau ba ngày án binh bất động và “nghe ngóng” do vướng kỳ nghỉ lễ, hôm nay bắt đầu tăng mạnh tỷ giá niêm yết.
Hàng loạt các NHTM lớn như BIDV và Eximbank trong ngày hôm nay đều đồng loạt tăng tỷ giá mua-bán đồng USD thêm 30 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra, đưa giá bán ra lên mức 20.950 đồng/USD. Vietcombank tương tự, cũng tăng 20 đồng ở cả hai chiều và đưa tỉ giá mua bán lên 20.895-20.945 đồng/USD.
Ngoài tác động tâm lý do tin đồn đổi tiền, việc chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới vượt lên mức 6,8 triệu đồng mỗi lượng đã đưa đến một số quan ngại về khả năng có tình trạng gom USD phục vụ nhập lậu vàng và hưởng chênh lệch giá.
Dẫu vậy không thể phủ nhận rằng, nhiều dự báo sớm cho rằng thị trường trong tuần này sẽ tiếp tục chứng kiến xu hướng mạnh lên của đồng USD vốn xuất hiện ngay từ cuối tuần trước. Thực tế vào cuối ngày 18.4, thị trường tiền tệ thế giới tiếp tục chứng kiến các diễn biến phức tạp khi USD bất ngờ mạnh lên và nhấn chìm các ngoại tệ khác, kể cả vàng. Sự hồi phục mạnh của USD cũng là một phần lý do khiến giá vàng thế giới tiếp tục có mức giảm khá cao và lao xuống mức 1.356USD/ounce.