Căn hộ giá bình dân giảm mạnh, thị trường địa ốc bấp bênh?

Nguồn cung căn hộ có giá bán vừa túi tiền tại TP.HCM sụt giảm gần 70%. Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố, đây là biểu hiện của tình trạng lệch pha cung - cầu và là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thiếu bền vững.

Ngày 10/8, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thành uỷ TP.HCM và UBND TP.HCM báo cáo về thực trạng thị trường bất động sản và dự báo xu hướng phát triển đến cuối năm.

Theo HoREA, trong 10 năm qua, thị trường BĐS đan xen các giai đoạn thăng trầm, khủng hoảng, phục hồi, tăng trưởng... Năm 2017, thị trường phục hồi và tăng trưởng nhẹ, chỉ 4,07%. 6 tháng đầu năm 2018, thị trường BĐS cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch.

Riêng tại TP.HCM, BĐS có dấu hiệu sụt giảm khá rõ nét. Tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở của các dự án giảm đến 44,5%. Trong đó, phân khúc cao cấp giảm 25,9%, phân khúc trung cấp giảm 32,6%, phân khúc bình dân sụt giảm mạnh đến 69,7%. Đây là biểu hiện lệch pha cung cầu và cũng là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường BĐS thiếu bền vững.

Hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án BĐS sụt giảm tương ứng, chỉ có 6 trong tổng số 15 hồ sơ chuyển nhượng dự án đủ điều kiện được chấp thuận. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường BĐS TP.HCM tiếp tục tăng trưởng mạnh, đã thu hút được 2,2 tỷ USD, đứng thứ nhất.

Từ đầu năm 2017 đến tháng 6/2018, đã xuất hiện 2 đợt sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận ven và huyện ngoại thành. Cơn sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép còn xuất hiện tại khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành và tại 3 khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Căn hộ giá bình dân giảm mạnh, thị trường địa ốc bấp bênh? - 1

Nguồn cung căn hộ giá bình dân giảm mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bấp bênh cho thị trường BĐS TP.HCM.

Trong những năm gần đây cũng đã xuất hiện một số loại hình sản phẩm BĐS mới như condotel, hometel, officetel, căn hộ dịch vụ, shophouse.

Trong đó, loại hình căn hộ condotel tại các khu du lịch nghỉ dưỡng mà Nhà nước chưa có giải pháp quản lý và định hướng phát triển phù hợp. Nhiều chủ đầu tư dự án condotel nộp tiền sử dụng đất quá thấp làm thất thu ngân sách Nhà nước nhưng lại bán căn hộ condotel với giá rất cao.

Các cơn sốt giá ảo đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép và condotel đã thu hút một phần nguồn vốn tín dụng và vốn đầu tư của xã hội, làm giảm nguồn vốn đầu tư vào các dự án căn hộ. Hiện cơn sốt nóng condotel và cơn sốt ảo giá đất đã được kiểm soát nhưng hệ quả còn diễn biến nặng nề và phức tạp.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh BĐS chưa minh bạch, chưa lành mạnh, vẫn còn dấu hiệu lợi ích nhóm làm nản lòng các doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây cản trở cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn, dự án thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư theo phương thức PPP, BT.

HoREA cho rằng, các doanh nghiệp đang đứng trước thách thức về việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS. Nhưng đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư kinh doanh, giảm bớt dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng nhằm phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Do đó, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp các giải pháp, trong đó cần đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 1/1/2019 theo lộ trình của Thông tư 19/2017/TT-NHNN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Anh Linh ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN