Yếu tố làm tăng tác dụng phụ của thuốc
Thuốc luôn là con dao hai lưỡi. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, thuốc còn gây cho người sử dụng những tai biến mà người ta còn gọi là những tác dụng không muốn muốn.
Yếu tố thuộc về bệnh nhân
Tuổi
Trẻ sơ sinh và người cao tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao. Ở người cao tuổi, một số nghiên cứu cho thấy người cao tuổi gặp nhiều tác dụng không mong muốn của thuốc (ADR) hơn những người khác do lạm dụng thuốc, do có sự thay đổi về dược động học, dược lực học, do giảm chức năng các cơ quan. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, sử dụng nhiều thuốc nên dễ gặp các tương tác bất lợi của thuốc. Ở trẻ sơ sinh, nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn cũng tăng lên, đặc biệt là ở những trẻ đẻ non (do một số enzyme liên quan đến chuyển hóa và thải trừ thuốc chưa đầy đủ). Các thuốc hay gây độc là morphin, các barbiturate, các sulfonamide, dẫn xuất của vitamin K và cloramphenicol…
Tư vấn dùng thuốc cho người dân tại nhà thuốc thuộc Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng. Ảnh: Diệu Minh
Giới tính
Nói chung không có sự khác biệt lớn về nguy cơ gặp ADR giữa hai giới. Tuy nhiên một số ADR hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Ví dụ: phụ nữ có thể nhạy cảm hơn với độc tính của digoxin, heparin và captoprin. Thiếu máu bất sản do cloramphenicol gặp ở phụ nữ nhiều gấp 2 lần so với nam giới.
Đa dạng về gen và chủng tộc: Nhiều phản ứng trước đó được mô tả là các phản ứng đặc ứng ngày nay đã làm sáng tỏ là có các nguyên nhân về gen như ở những người thiếu hụt men G6PD do di truyền khi dùng những thuốc có tính ôxy hóa thì có thể bị thiếu máu tan máu.
Bệnh mắc kèm: Những bệnh mắc kèm có thể làm thay đổi đáp ứng của bệnh nhân đối với thuốc hoặc làm thay đổi dược động học của thuốc, dẫn tới phát sinh các tác dụng không mong muốn. Ví dụ điếc khi dùng kháng sinh aminoglycosid ở người có bất thường về thính giác, hoặc chảy máu trầm trọng do warfarin, heparin ở người có sẵn thiếu hụt về yếu tố đông máu. Các bệnh nhân mắc các bệnh về gan, thận sẽ có nguy cơ cao bị các tác dụng không mong muốn của những thuốc thải trừ ở dạng còn nguyên hoạt tính qua các cơ quan này.
Tiền sử dị ứng hoặc phản ứng với thuốc: Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với một thuốc cũng có thể gặp dị ứng với một thuốc khác có cấu trúc tương tự. Ví dụ như các trường hợp dị ững với kháng sinh penicillin cũng có thể bị dị ứng chéo với kháng sinh nhóm cephalosptin…
Yếu tố thuộc về thuốc
Đặc tính của thuốc: Về kỹ thuật bào chế, kích thước tiểu phân, lượng thuốc trong chế phẩm, tính chất và khối lượng tá dược… có thể dẫn tới thay đổi tốc độ giải phóng hoạt chất, gây ra tác dụng không mong muốn. Sử dụng một số tá dược cho các nhóm bệnh nhân nhạy cảm như các bệnh nhân hen, trẻ sơ sinh nhẹ cân và sự thay đổi hỗn hợp tá dược làm thay đổi sinh khả dụng của thuốc như digoxin, phenytoin cũng gây ra một số tác dụng không mong muốn. Đối với chất lượng sản phẩm thuốc, trong phần lớn các trường hợp, khi dùng một thuốc đã bị phân hủy thì dẫn đến thất bại điều trị, nhưng một số sản phẩm phân hủy của thuốc có thể gây độc hoặc thậm chí gây tử vong. Các tá dược hay gây phản ứng quá mẫn như polypropylene glycol, carboxymethyl cellulose và tartrazin.
Để nguy cơ tác dụng thuốc của thuốc tốt nhất nên hạn chế dùng thuốc
Tương tác thuốc: Tương tác bất lợi của các thuốc có thể làm thay đổi sinh khả dụng hoặc thay đổi dược lực học của thuốc và do vậy gây ra các tác dụng không mong muốn trên bệnh nhân. Do vậy, khi điều trị nhiều thuốc trong cùng một thời điểm thì tần suất gặp ADR tăng lên theo cấp số nhân với số lượng thuốc.
Liệu trình điều trị kéo dài: Nhiều tác dụng phụ không mong muốn ít xuất hiện trong thời gian ngắn, nhưng tỷ lệ tăng lên khi dùng dài ngày. Ví dụ, xuất huyết tiêu hóa do dùng các thuốc chống viêm không steroid hoặc corticoid kéo dài..
Làm gì để hạn chế?
Để hạn chế các ADR của thuốc, trước hết cần hạn chế dùng thuốc. Chỉ kê đơn và dùng các thuốc thật sự cần thiết. Nếu bệnh nhân đang sử dụng đồng thời quá nhiều thuốc thì cần cân nhắc để tạm ngừng những loại thuốc chưa thật sự cần thiết. Cần đánh giá có tương tác bất lợi hay không. Kiểm tra và hỏi bệnh nhân về những thuốc bệnh nhân tự dùng. Phải hiểu rõ tính chất dược lý, tương tác, cơ chế chuyển hóa và ADR của thuốc.
Chỉ nên kê đơn những thuốc đã biết đầy đủ thông tin; Thường xuyên tham khảo, cập nhật các thông tin về thuốc và tương tác thuốc; Thận trọng khi kê đơn những thuốc dễ xảy ra tương tác, đặc biệt là các tương tác do vô tình như tương tác của thuốc với thức ăn, rượu… Đối với những đối tượng bệnh nhân có nguy cơ cao như trẻ em, người già, người có cơ địa dị ứng, có bệnh lý về gan, thận và các bệnh bệnh nhân có bất thường về gen cần rất thận trọng; Trong quá trình dùng thuốc cả thầy thuốc và bệnh nhân cần theo dõi sát, phát hiện sớm các biểu hiện của phản ứng bất lợi do thuốc gây ra để có những xử trí kịp thời.