Vô sinh: 10 năm gõ cửa bệnh viện

Sự kiện: Bệnh vô sinh

Nhiều người cứ nghĩ mình đã sinh con một lần thì không bao giờ căn bệnh vô sinh gõ cửa đến gia đình. Tuy nhiên tỷ lệ vô sinh thứ phát đang ngày càng gia tăng, nhiều phụ nữ sau khi sinh con lần đầu đến 10 năm sau cũng không thể sinh thêm con.

4 lần làm thụ tinh trong ống nghiệm mới thành công

Tại Khoa sản 1, Bệnh viện Phụ sản trung ương chúng tôi gặp chị Nguyễn  Thị L., Kim Liên, Hà Nội. Chị L. kể mình đã có một cô con gái 13 tuổi. Ngay sau khi lập gia đình chị có thai ngay. Sinh con gái xong, chị kế hoạch để chờ khi bé lớn rồi sinh thêm con.    Ảnh minh họa Tuy nhiên, từ ngày con vào học lớp 1 anh chị cố gắng sinh thêm con nữa nhưng đều không được. 4 năm liền anh chị không kế hoạch mà vẫn không có thai. Sốt ruột, hai vợ chồng chị đi khám bệnh vẫn không rõ nguyên nhân vì sao vô sinh.

“Cả anh và chị đều bình thường, không ai bị bệnh nặng cả. Trứng tốt, tinh trùng tốt nhưng vẫn không thể thụ thai. Anh chị làm thụ tinh nhân tạo hai lần cũng không được” - chị kể lại với cái giọng chán nản. Cách đây 2 năm, sốt ruột vì tuổi ngày càng nhiều nên chị L. đã quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm. 

Tiền vốn liếng của hai vợ chồng anh chị đổ cả vào hi vọng có đứa con thứ 2 cho vui cửa vui nhà. Ba lần đầu làm thụ tinh trong ống nghiệm chị đều không thành công. Từ một gia đình ra vào viện thoải mái không lo đến viện phí, chị L. bắt đầu mất ngủ vì tài chính đã khánh kiệt vì làm thụ tinh trong ống nghiệm. Đã có lúc, chị buông xuôi “thôi thì một con cũng được. Nhiều gia đình họ vẫn sinh một con”. Nhưng chồng chị và bố mẹ của anh thì vẫn muốn có thêm cháu. 

Lần cuối cùng, hai vợ chồng đi mượn tiền để làm cố thêm lần này nữa. Người ta nói quá tam ba bận nhưng chồng chị L. thì có niềm tin vào lần thứ 4 này. Sau khi lọc rửa tinh trùng và các biện pháp chuyên môn, anh chị vui mừng khi biết tổng số phôi trong lần này được 15 phôi. Chị quyết định đặt phôi lạnh vì những lần trước đặt phôi tươi không được. Bơm 3 phôi thì anh chị được một phôi thành công. 

Vô sinh: 10 năm gõ cửa bệnh viện - 1

Bác sĩ tư vấn sức khỏe sinh sản cho bệnh nhân

Nói trong niềm vui, chị L. kể dù ở viện liên miên nhưng ngày bế con trên tay sắp đến chị vui lắm. Dù đã có một con nhưng cảm giác giống hệt lần đầu được làm mẹ. 

Treo chân trong bệnh viện chờ ngày đẻ

Giống như chị L, chị Vũ Thị M. (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) đã có 10 năm chữa vô sinh, sau khi con lớn 18 tuổi. Biết bao lần mổ vì tắc vòi trứng mà chị không có con. Ở tuổi 45 chị quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm. 

Vì tuổi đã nhiều nên từ ngày có thai đến nay thời gian chị ở trong viện nhiều hơn ở nhà. Chia sẻ với chúng tôi, chị kể “nhà không xa bệnh viện nhưng cả nhà chị không ai yên tâm để chị rời xa nơi này. Đây là lần thứ 2 chị làm thụ tinh trong ống nghiệm. Lần đầu, chị đã có thai đến tháng thứ 5 rồi nhưng vẫn bị sảy. Lần này, từ khi kết thúc 12 tuần đầu tiên, thai của chị vẫn thường xuyên dọa sảy nên chị “nhập khẩu” luôn trong bệnh viện để chờ ngày sinh con.

Vì khó có con nên chị kiêng kỹ lắm. Người ta nói không nên đi siêu âm nhiều nên chị cũng không đi siêu âm ở đâu cả. Các bác sĩ theo dõi sát sao. Có lần, con gái lớn của chị đòi mẹ đi siêu âm bên ngoài để biết giới tính thai nhi nhưng chị vẫn sợ. Lần trước chị đi siêu âm được 1 tuần thì thai bị chết lưu. Lần này chị bỏ qua hết.

Để cho thai bám chắc mẹ, chị ăn kiêng rất nhiều thứ. Các y tá trong khoa phải khuyên chị không nên kiêng khem trong ăn uống kẻo không đủ chất. 

Dẫn chúng tôi đi gặp từng bệnh nhân, chị Tú Anh điều dưỡng trưởng của Khoa Sản 1 chia sẻ, những sản phụ làm thụ tinh trong ống nghiệm tại khoa họ kỹ tính lắm. Nhiều người họ kiêng đủ kiểu vì sợ sảy thai. Có thai khó vậy nên họ giữ mình cũng thông cảm với họ nhiều hơn.

Trường hợp của sản phụ Mai Thị Th. (thành phố Điện Biên) cũng thế, chị Th lần đầu tiên mang bầu sau 5 năm lấy chồng. Từ ngày có bầu, chị kiêng chụp ảnh, kiêng rất nhiều thứ. 32 tuần có bầu là cả 32 tuần chị nằm trong viện. Đến giờ, bụng bầu 3 thai nên chị không thể đi lại được. Chị vẫn cố cười “các cụ bảo kiêng gì em kiêng hết. Em khó có bầu nên sợ lắm”.

Cả phòng 10, phòng 11, phòng 12 của khoa Sản 1 là những sản phụ làm thụ tinh trong ống nghiệm, cùng cảnh khó có con nên họ chia sẻ với nhau từng cách chăm sóc thai, những quan niệm để giữ thai được an toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thúy (Infonet.vn)
Bệnh vô sinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN