Vì sao thai lưu?
Tình trạng thai lưu thường ít gặp lại ở những lần mang thai sau nhưng nếu bị lặp lại thì đó là một dấu hiệu bệnh lý ở thai phụ rất đáng lưu tâm.
Thai chết lưu có lẽ là tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong thai kỳ mà hầu hết các cặp vợ chồng đều lo lắng, nhất là trong lần mang thai đầu tiên.
Đa dạng nguyên nhân
“Theo định nghĩa y khoa, “thai lưu” là thai chết trong tử cung từ 22 tuần tuổi trở lên, không bị sẩy thai mà vẫn nằm lưu trong tử cung. Tuy nhiên, hiện nay từ “thai lưu” thường được dùng cho cả những bào thai bị chết ở tuần thai nhỏ hơn. Những thai nhỏ này thông thường sẽ sẩy dù sớm hay muộn nhưng để an toàn hơn cho thai phụ, bác sĩ (BS) thường chỉ định dùng thuốc phá thai hoặc hút thai ra sau khi phát hiện thai đã chết” - BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản
TP HCM, cho biết.
Theo BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ, thai lưu có thể có do mẹ và cũng có thể do bào thai. Trong đó, nguyên nhân từ phía bào thai thường thuộc nhóm khó xác định và không khắc phục được: thai có dị tật, nhất là những dị tật về tim mạch, có bất thường về gien - nhiễm sắc thể, thiếu một số men nội tiết… Những bất thường này không phải lúc nào cũng có thể quan sát và xác định chính xác được.
Thai phụ nên khám thai thường xuyên. Trong ảnh: Đăng ký khám thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM
Nguyên nhân từ mẹ khá đa dạng: Có bệnh lý ảnh hưởng đến sự tuần hoàn mẹ - con như suy dinh dưỡng, các bệnh nhiễm, bệnh lý ác tính (nhất là ung thư), bệnh lý toàn thân (như Lupus); có bệnh lý trong vùng tử cung khiến thai không thể làm tổ như các khối u trong cơ quan sinh dục; nhiễm virus và siêu vi; sức khỏe trong quá trình mang thai không được bảo đảm do quá lao lực; các tác nhân vật lý, hóa chất như chấn động, tia X, phóng xạ, ảnh hưởng bởi thuốc men nhất là các loại thuốc đặc trị…
“Các bất thường ở phần phụ của thai cũng có thể dẫn đến hiện tượng thai chết lưu: bất thường ở bánh nhau khiến sự tuần hoàn, trao đổi chất giữa mẹ - con bị ngăn cản; bất thường ở dây rốn (bị thắt nút, dây rốn quấn cổ), bất thường ở ối (thiểu ối)” - BS Thông cho biết thêm.
Cần lấy ra sớm
BS Thông cảnh báo: “Thai ngưng phát triển nếu không được sớm đưa ra khỏi cơ thể người mẹ sẽ gây ra một số phản ứng sinh hóa, huyết học làm giảm lượng sinh sợi huyết trong máu, gây ra rối loạn đông máu. Thai càng lớn thì nguy cơ rối loạn đông máu càng cao. Khi thai bị sẩy hay khi làm thủ thuật lấy thai ra, rối loạn đông máu dễ dẫn đến băng huyết - một tai biến rất nguy hiểm có thể làm thai phụ tử vong”. Ông cũng khuyên các thai phụ đừng quá lo lắng khi thai lưu bởi điều đó rất hiếm khi lặp lại ở các lần mang thai sau. Tuy nhiên, nếu thai lưu trên 3 lần thì thai phụ nên tiến hành các kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu hơn vì có thể có một nguyên nhân đáng lo ngại nào đó chưa được loại trừ. Tốt nhất khi có thai lần nữa, thai phụ nên tìm đến các bệnh viện tuyến trên để được theo dõi thai chặt chẽ hơn và nên thông báo tình trạng thai lưu lần trước cho BS.
BS Hải khuyến cáo: Để tránh tình huống đáng buồn này, thai phụ nên sắp xếp công việc hợp lý, có thời gian nghỉ ngơi để sự tuần hoàn mẹ - con được tốt; ăn uống đầy đủ để bảo đảm khối lượng tuần hoàn nhưng cũng không nên ăn quá mức vì cơ thể tăng cân quá nhanh, bị giữ nước cũng khiến nước trong lòng mạch bị thoát ra, không đầy đủ khiến khối lượng tuần hoàn không những không tăng mà còn giảm. Nên khám thai thường xuyên để sớm phát hiện và loại trừ các nguyên nhân có thể khắc phục được. Phụ nữ đã bị thai lưu được khuyến cáo không nên mang thai trở lại ngay mà phải đợi sau 3-4 chu kỳ kinh, tùy vào tuổi thai bị lưu.
BS Thông cũng khuyên các cặp vợ chồng nên lưu ý độ tuổi sinh đẻ, bởi tuổi trên 40 chất lượng trứng, tinh trùng không còn tốt. Các thai phụ trên 40 tuổi có nguy cơ sẩy thai, thai lưu cao hơn hẳn những người trẻ hơn.
Stress cũng làm sẩy thai “Ví dụ rối loạn stress cấp và trường diễn sẽ khiến thai phụ dễ giận dữ, mạch nhanh, co thắt cơ, đối với nhóm cơ vùng chậu và tử cung sẽ gây ra cơn gò khiến dễ sẩy thai ở 3 tháng đầu và sinh non ở 3 tháng cuối; rối loạn stress sau sang chấn làm tăng nguy cơ thai lạc chỗ, nôn ói nhiều, dễ sẩy thai hoặc chuyển dạ sớm; rối loạn ăn uống làm tăng gấp đôi khả năng sẩy thai, thai nhẹ ký hoặc đái tháo đường thai kỳ; trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ sẩy thai, chảy máu trong thai kỳ và cuộc sinh...” - BS Quang phân tích. Những hiện tượng này có thể được lý giải bởi sự tác động tâm lý lên vùng dưới đồi của vỏ não, làm tác động dây chuyền đến tuyến yên, hệ nội tiết, hệ thống miễn dịch, hệ thống dẫn truyền mạch máu... gây nên nhiều rối loạn trong cơ thể thai phụ. |