Vì sao phụ nữ mang thai tưởng tượng?

Khao khát có con, áp lực từ gia đình và bạn đời đã trở thành gánh nặng tâm lý của nhiều phụ nữ, để rồi cơ thể họ bắt đầu thay đổi tựa như “thiên thần nhỏ” đã xuất hiện.

Thời gian qua, nhiều tờ báo quốc tế đã đăng tải thông tin về một “thai phụ” đặc biệt ở Montreal (Canada): Phụ nữ này đến bệnh viện khám thai ở tuần thai thứ 34 với vóc dáng bên ngoài y hệt một bà bầu và cho rằng mình đang mang trong bụng tới 5 thai nhi nhưng kết quả khám lại cho thấy chị... hoàn toàn không có thai!

Triệu chứng “đánh lừa” cả bác sĩ

Theo tờ Daily Mail, anh Paul Servat, bạn trai của chị Barbara Bienvenue (37 tuổi), người mang bào thai tưởng tượng nói trên, cho biết điều lạ lùng là bụng người phụ nữ này căng to y hệt thai phụ ở những tháng cuối thai kỳ, bị ốm nghén, tắt kinh và tiết sữa ở ngực trong suốt quãng thời gian mà cô nghĩ rằng mình mang thai. Chính anh cũng hoàn toàn chắc chắn mình sắp làm cha và trong những tháng qua, cặp đôi đã rất hạnh phúc cùng nhau chuẩn bị cho sự chào đời của các con. Hiện người phụ nữ này đang được theo dõi về tâm thần.

Tại Việt Nam, có một thời gian cũng rộ lên tình trạng nhiều phụ nữ mang thai giả, bụng to lên nhưng siêu âm không thấy thai và có người mang thai cả năm vẫn chưa sinh do bị lừa uống phải một số thứ thuốc không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, một số bác sĩ (BS) ở các bệnh viện (BV) phụ sản lớn cho biết họ từng gặp nhiều phụ nữ không hề bị lừa uống thuốc lạ vẫn có thể rơi vào tình trạng này.

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, mang thai giả (dân gian còn gọi là thai ma, thai tưởng…) là tình trạng một phụ nữ không mang thai nhưng tin rằng mình có thai và có những biến đổi về mặt cơ thể giống như người đang thai nghén. Các biểu hiện thường gặp là mất kinh nguyệt; vú căng to, sậm màu, có khi tiết  sữa non; bụng to dần lên (thường do tích mỡ); cho rằng có cử động thai do cảm giác chủ quan sai lệch, ngộ nhận nhu động ruột là chuyển động của em bé… Nhiều người còn bị ốm nghén nhưng thực chất đây là một sự bắt chước vô thức của người phụ nữ mang thai giả, “sao chép” hình ảnh từ những thai phụ họ đã gặp. Một số trường hợp khi thử thai bằng que thử còn cho kết quả dương tính.

Vì sao phụ nữ mang thai tưởng tượng? - 1

Nên đi siêu âm sớm để được xác định rằng bạn thực sự có thai hay không. Trong ảnh: Siêu âm cho một thai phụ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM.

“Mang thai giả có thể được phát hiện khi khám thai, ví dụ khi siêu âm sẽ không có hình ảnh thai. Tuy nhiên, triệu chứng của mang thai giả đôi khi cũng giống thật đến nỗi nếu nơi bệnh nhân tới khám không có phương tiện siêu âm, BS thăm khám thiếu kinh nghiệm vẫn có thể bị đánh lừa trong những tháng đầu tiên khi tim thai của em bé chưa thể nghe được bằng các dụng cụ thông thường” -  BS Thông cho biết.

Hệ quả của mong mỏi và áp lực

Tại nhiều nước trên thế giới, người mang thai giả sau khi được phát hiện thường được đưa đến theo dõi tại các đơn vị tâm lý - tâm thần bởi đây cũng là một vấn đề được xếp vào các rối loạn tâm thần.

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, phân tích: “Mang thai giả hay gặp ở những phụ nữ hiếm muộn, đã có gia đình. Sự khao khát có con, áp lực có con từ chồng, gia đình chồng… lâu ngày tạo thành một áp lực đè nặng tâm lý người phụ nữ. Với các trường hợp mang thai giả, chính tác động của tâm lý đã khiến hệ nội tiết của phụ nữ hoạt động bất thường và tạo ra các triệu chứng giống như người mang thai - đó cũng là lý do nhiều trường hợp họ mua que thử thai về kiểm tra thì kết quả lại dương tính nên càng chắc chắn rằng mình có thai”.

Theo BS Thông, cơ thể những phụ nữ mang thai giả thường trở lại bình thường khi được xác định là không có thai, vì vậy để ngăn chặn điều này, tốt nhất là khi có các dấu hiệu của người mang thai, phụ nữ nên đến cơ sở y tế để được khám, xác định.

Cần sự hỗ trợ tâm lý

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, người mang thai giả rất cần sự hỗ trợ tâm lý sau khi được phát hiện. “Họ thường rất sốc, rất đau khổ, nhiều người nhất định không chấp nhận thực tế... nên sự quan tâm của gia đình, đặc biệt là người chồng, rất quan trọng. Nếu chấn thương tâm lý quá nặng và họ có nhiều biểu hiện bất ổn khác, gia đình có thể đưa bệnh nhân đến thăm khám và trị liệu thêm tại các đơn vị tâm lý - tâm thần” - BS Quang khuyến cáo. Còn BS Thông thì lưu ý sau khi phát hiện mang thai giả, nữ bệnh nhân và chồng cũng nên đến các đơn vị chuyên về hiếm muộn để được tư vấn các biện pháp điều trị hiện đại. Đây cũng là cách hữu hiệu đế giảm bớt gánh nặng tâm lý đối với phụ nữ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thạnh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN