Án mạng từ bệnh tâm thần: Chặn bằng cách gì?

Sự kiện: Bệnh thần kinh

Những vụ án mạng mà thủ phạm lại là những người mắc bệnh tâm thần vẫn xảy ra với xu hướng ngày càng gia tăng.

Gần đây nhất ở huyện Hòa Thành (Tây Ninh) xảy ra vụ cha (có dấu hiệu tâm thần) chém chết con ruột 3 tuổi hết sức thương tâm. Những cái chết hết sức bất ngờ, phi lý của người thân, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, đã và đang gây hoang mang cho cộng đồng xã hội, khiến cho các nhà chức trách, nhà chuyên môn phải đau lòng trăn trở... Vậy nguyên do từ đâu và chúng ta cần làm gì để ngăn chặn những vụ án chết người có liên quan đến bệnh tâm thần?

Nguyên nhân dẫn đến những vụ án chết người có liên quan đến bệnh tâm thần

Một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng đó là nhận thức của đại đa số người dân về căn bệnh tâm thần còn rất mơ hồ, thiếu kiến thức. Đa số người bệnh tâm thần chỉ biểu lộ suy nghĩ hành vi bất thường khi có cơn hoang tưởng ảo giác, kích động hoặc trầm cảm chi phối. Còn phần lớn, những người mắc bệnh tâm thần vẫn có tư duy, sinh hoạt nói năng tương đối bình thường cho nên rất khó nhận biết nếu không có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp. Thậm chí có nơi, có gia đình thoạt đầu thấy con em mình đôi khi có những hành vi và nhận thức sai lệch khác thường thì bán tín bán nghi cho là bị ma ám thường đưa đi các đình chùa cầu khấn hoặc thuê thầy về cúng đuổi tà ma. Chỉ đến khi người bệnh phát cơn và gây án trầm trọng lúc đó mới biết con em mình mắc bệnh. Còn một số gia đình đưa con em mình đi bệnh viện chuyên khoa điều trị song khi bệnh ổn định trở về nhà đã không tự nguyện đưa người bệnh tham gia vào chương trình quản lý điều trị người bệnh tâm thần tại cộng đồng để được các thầy thuốc tiếp tục quản lý, thăm khám theo dõi và cấp phát thuốc điều trị định kỳ tại cơ sở y tế huyện, xã, phường mà thường là uống thuốc thất thường hoặc tự ý bỏ thuốc không điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, không cho người bệnh tái khám nên bệnh đã tái phát nhiều lần trở thành mạn tính và mỗi lần tái phát thì bệnh có xu hướng nặng lên, nguy cơ đe dọa gây nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng và chính bản thân người bệnh là rất lớn.

Việt Nam đã thiết lập được một hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần từ Trung ương đến địa phương. Việc quản lý điều trị người bệnh tâm thần tại cộng cồng được tổ chức và điều hành rất tốt trong vài thập kỷ gần đây. Song, trên thực tế, số bệnh nhân được quản lý điều trị chỉ mới có một phần và chủ yếu là chỉ quản lý những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt. Còn phần lớn người bệnh vẫn đang ở thể tự do ngoài xã hội. Nguyên nhân chính là do định kiến của xã hội về căn bệnh này còn nặng nề, chính vì thế những gia đình có người mắc bệnh tâm thần thường giấu giếm tình trạng bệnh của con em mình, không đưa đi bệnh viện khám điều trị hoặc điều trị không đến nơi đến chốn. Người bệnh không được quan tâm chăm sóc và có một cơ chế giám sát, theo dõi tiến trình diễn tiến bệnh tật để có phương án điều trị kịp thời, hợp lý, đạt hiệu quả tốt, tránh cho bệnh nhân phát bệnh nặng hoặc tái phát bệnh gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Án mạng từ bệnh tâm thần: Chặn bằng cách gì? - 1

Người bệnh tâm thần cần phải đến khám kiểm tra bệnh định kỳ.

Cần làm gì để ngăn chặn?

Để có thể ngăn chặn sự gia tăng của những vụ án chết người có liên quan đến bệnh tâm thần hiện nay cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân về căn bệnh tâm thần để mọi người trên cơ sở những kiến thức cơ bản hiểu rõ hơn, từ đó xóa đi những định kiến với người bệnh, có ý thức sẻ chia thông cảm và giúp đỡ người bệnh trong quá trình điều trị cũng như trong lao động, học tập, tái hòa nhập cộng đồng.

Mặt khác, rất cần tăng cường đào tạo các thầy thuốc chuyên khoa và bác sĩ tâm lý bổ sung cho hệ thống chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho cộng đồng bởi vì xã hội ngày càng phát triển, bệnh tâm thần ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn thể thức bệnh tật. Trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc hành vi, sa sút tâm thần, loạn thần... do di truyền, do áp lực của công việc, sự phức tạp của cuộc sống, do rượu, do ma túy... Môi trường không khí ô nhiễm, thực phẩm nhiễm hoá chất độc hại trong quá trình chăn nuôi, chế biến, bảo quản... cũng phần nào ảnh hưởng làm gia tăng số trẻ em mắc các bệnh tâm thần như tự kỷ, bại não, chậm phát triển trí tuệ, tâm thần phân liệt, động kinh...

Ngành Tâm thần đang phải căng mình ra để đảm đương những trách nhiệm nặng nề vượt ra ngoài sức vóc của chính mình. Bệnh nhân tâm thần sau điều trị ổn định tại các cơ sở y tế được đưa về tái hoà nhập cộng đồng là tất yếu. Vì thế rất cần được xã hội giang rộng vòng tay đón nhận quan tâm và giúp đỡ, tạo một môi trường thân ái thoải mái về mặt tâm lý cho người bệnh lao động và học tập. Đó là trách nhiệm của mọi người và của toàn xã hội và đó cũng là cách phòng tránh tốt nhất giúp cho người bệnh hạn chế tối đa tái phát bệnh nặng có thể gây tổn hại cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè, cộng đồng và bản thân họ.

Tăng cường kiểm tra công tác giám định pháp y tâm thần

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu Bộ Y tế có kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất công tác giám định pháp y tâm thần của các viện, trung tâm, tổ chức giám định. Đồng thời Bộ Y tế rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11 tới.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an đề xuất các cơ chế, biện pháp cần thiết đối với việc điều trị bắt buộc cho các đối tượng phạm tội nguy hiểm bị bệnh tâm thần và quản lý, giám sát các đối tượng này sau thời gian điều trị bắt buộc để giảm thiểu nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội. Đối với các trường hợp hiện chưa có sự thống nhất kết luận giám định giữa cơ quan chuyên môn và cơ quan cảnh sát điều tra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp chặt chẽ, khẩn trương xác minh, thống nhất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/11 tới

Nguyễn Hoàng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Minh Tuấn (Sức khỏe & Đời sống)
Bệnh thần kinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN