Từ bàn nhậu đến thẳng... bệnh viện

Ngộ độc rượu thật đáng sợ nhưng những vụ chết người do rượu vẫn liên tục xảy ra. Theo các bác sĩ, muốn cứu mình thì không ai khác chính là người sử dụng.

26% số người tử vong do rượu

Lược qua những vụ chết người do rượu mới thấy ngộ độc loại đồ uống này thật đáng sợ. Đầu tháng 6/2012, một vụ ngộ độc rượu tập thể xảy ra tại tỉnh Đồng Nai làm 4 người tử vong. Trước đó, sau cuộc nhậu, cả 4 nạn nhân đều có các triệu chứng tức ngực, khó thở, hoa mắt, nôn… và được người nhà đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Tại TPHCM, người dân vẫn chưa quên trong thời gian 2 tuần đầu tháng 10/2011 đã có tới 9 vụ tử vong vì ngộ độc rượu.

Từ bàn nhậu đến thẳng... bệnh viện - 1

Khó định lượng uống bao nhiêu là vừa mà tùy thuộc vào văn hóa, cơ địa mỗi người và muốn cứu mình thì không ai khác chính là người sử dụng.

Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra hoạt động sản xuất rượu tại một cơ sở ở TPHCM sau tình trạng hàng loạt nạn nhận bị ngộ độc rượu

Theo TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, ngộ độc do rượu chiếm 3,4% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm nhưng số người tử vong do ngộ độc rượu chiếm tới 26%. Ba loại rượu thường gây ra các vụ ngộ độc nhất là rượu trắng (27,8% số vụ), rượu trắng có hàm lượng methanol cao (30,6%) và rượu ngâm cây rừng độc (16,7%). TPHCM và Gia Lai là 2 địa phương ghi nhận nhiều vụ ngộ độc rượu nhất nước, mỗi địa phương chiếm 15,2% số vụ. Phân tích của cơ quan này cũng chỉ ra rằng trên 86% người cấp cứu do ngộ độc rượu có tuổi từ 15 - 49, với các biểu hiện thường gặp nhất là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, co giật, rối loạn ý thức...

Trước tình trạng này, TS Trần Quang Trung cho rằng cần đẩy mạnh công tác phòng chống ngộ độc rượu và tác hại của việc lạm dụng rượu.

Khó định lượng

ThS-BS Vũ Đình Thắng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - BV Nhân dân 115 (TPHCM), cho biết: Về nguyên tắc, rượu chỉ chứa ethanol thì có thể uống hằng ngày (như bia, rượu vang, rượu đế, rượu mạnh nhập khẩu). Còn rượu có chứa nhiều tạp chất (như furfural, aldehyde, ester) hoặc chứa cồn công nghiệp (methanol, ethylene glycol, isopropanol…) rất độc. Methanol còn gọi là cồn công nghiệp, thường dùng làm cồn y tế, năng lượng (cồn khô), dung môi (dung dịch lau kính, mực in cho máy photocopy, pha sơn…).

Có 2 loại ngộ độc rượu là ngộ độc ethanol và ngộ độc methanol. Ngộ độc ethanol khá phổ biến, ít đe dọa đến tính mạng. Ngộ độc methanol thì rất dễ tử vong. Bản thân methanol không độc nhưng gây độc khi chuyển hóa thành formaldehyde, acid gây toan chuyển hóa, mù mắt và tử vong. Trong nhiều vụ tử vong ngộ độc rượu chủ yếu là do "sát thủ" methanol.

BS Thắng cũng cho hay liều lượng an toàn của methanol trong rượu là 0,1%. Tuy nhiên, thực tế mẫu rượu gây ngộ độc thường gấp vài chục đến vài trăm lần. Đặc trưng ngộ độc methanol sau khi đã tỉnh là buồn nôn, nôn, đau bụng, rối loạn thị giác, rối loạn ý thức, nhanh chóng hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp. BV Nhân dân 115 mỗi năm tiếp nhận cấp cứu khoảng 20 trường hợp ngộ độc rượu, riêng đầu năm 2012 đến nay cũng đã có 10 ca cấp cứu.

Ở góc độ thần kinh, ThS. BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM, giải thích cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là aldehyde có trong rượu sẽ tích trong máu, nếu không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa, làm suy giảm chức năng gan, thận; ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não và khả năng điều khiển hành vi... Theo các bác sĩ, khó định lượng uống bao nhiêu là vừa mà tùy thuộc vào văn hóa, cơ địa mỗi người và muốn cứu mình thì không ai khác chính là người sử dụng.

Đã cảnh báo nhưng ...

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Yên, cho biết trước đây, chi cục này đã kiểm tra một số cơ sở nấu rượu.

"Hầu hết cơ sở này đều nấu rượu bằng men Trung Quốc nên cho nồng độ aldehyde cao, nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Chúng tôi cũng đã cảnh báo nhiều lần nhưng ý thức người nấu rượu vẫn không thay đổi" - ông Tâm nói. Ông Hoàng Trọng Trọng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, cho biết theo quy định, các cơ sở nấu rượu này không được cấp phép sản xuất - kinh doanh vì số lao động không quá 2 người. "Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở này để kịp thời chấn chỉnh" - ông Trọng nói.

Theo ông Trần Cảnh Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Đà Nẵng, do đối tượng bán men rượu Trung Quốc không rõ nguồn gốc thường đi bán dạo nên lực lượng chức năng khó phát hiện. Còn ông Nguyễn Minh Sô, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Khánh Hòa, nói chưa nắm rõ thông tin cũng như chất lượng loại men này bảo đảm an toàn hay không. Do đó, chi cục sẽ kiểm tra, xử lý...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thạnh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN