Thực phẩm chay tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Đồ ăn chay hiện đã trở thành thực đơn được ưa chuộng trong văn hóa ẩm thực của người Việt, được xem là sự “cứu cánh” cho sức khỏe khi mà thực phẩm bẩn tràn lan các chợ. Các sản phẩm chay sau khi được chế biến lại rất giống món ăn mặn cả về hình thức và hương vị. Liệu chúng có thật sự an toàn?

Thực phẩm chay tiềm ẩn nhiều nguy hiểm - 1

Người tiêu dùng cần chọn thực phẩm chay chế biến sẵn có chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm để sử dụng. Ảnh minh họa: TL

Đồ chay chế biến sẵn tràn lan khắp nơi

Theo tìm hiểu của phóng viên tại các siêu thị, chợ đầu mối như: Big C, Đồng Xuân, Hà Đông hay ngay tại gần các đền, chùa… thực phẩm chay chế biến sẵn hay các gia vị chế biến đồ chay được bán rất nhiều. Tại chợ Hà Đông, khi hỏi mua thực phẩm chay về làm cỗ, bà chủ M.T tư vấn, ở cửa hàng bà có tới hàng trăm các món chay với đủ các mặt hàng từ khô, sản phẩm đông lạnh và đủ các loại gia vị hạt nêm, mắm chay… Vừa giới thiệu, bà chủ đưa cho chúng tôi xem một bảng danh sách các món chay. Nhìn vào thực đơn, chúng tôi tưởng mình đang đi mua đồ “ăn mặn” vì gần như có bao nhiêu món mặn thì cũng có bấy nhiêu món chay tương tự.

Góp mặt vào thực đơn để đãi tiệc có nhiều thực phẩm chay như giò, chả quế, cá kèo, thịt cục hambogo, mực ống chay, bò hầm, gà... Tất cả đều được giới thiệu làm từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật như: Mì căn, tàu hũ ky, bột mì, đậu xanh... “Các món chay mang tên món mặn là để dễ gọi, dễ phân biệt mùi vị còn khi ăn, hương vị dù có giống hệt món mặn vẫn có cái thanh mát riêng của đồ chay”, bà M.T cho biết.

Giá của hầu hết các thực phẩm chay đóng gói sẵn khá “mềm”, nhiều loại giá bán tính ra khoảng bằng 2/3 giá của sản phẩm mặn cùng loại. Giò chay 60.000 đồng/kg, ruốc thịt chay khoảng 170.000 đồng/kg, một số thực phẩm chay đóng hộp như: Cari gà, bò hầm, thịt hầm măng, nấm… giá từ 15.000-35.000 đồng/hộp.

Đa phần mọi người nghĩ rằng thực phẩm chay là an toàn tuyệt đối, nhưng thực tế các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều bê bối liên quan đến đồ ăn chay. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM từng công bố một kết quả khiến những người ăn chay trường phải giật mình: Hàm lượng acid oxalic, chất gây sỏi thận có trong thực phẩm chay khá cao. Kết quả được đưa ra sau khi kiểm tra 4 mẫu mì thường được dùng trong các mẫu đồ ăn chay như hủ tiếu khô, mì sợi khô, mì căn.

Gần nhất là Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra các sản phẩm chay giả mặn đóng gói trên địa bàn TP Bạc Liêu đã gửi kiểm nghiệm 23 mẫu thực phẩm chay nghi ngờ không an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả, có 3/5 mẫu dương tính với hàn the, 4/18 mẫu còn lại bị nhiễm vi sinh.

Có hóa chất gây rối loạn hormone giới tính

BS Nguyễn Trọng An, Chuyên gia Dinh dưỡng Bà mẹ-Trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, mọi người đều có quyền được lựa chọn thức ăn, cách ăn theo sở thích và thói quen ăn uống cũng tùy thuộc vào từng người. Đối với người ăn chay thì ngoài việc theo quy định của tôn giáo, chỉ định về dinh dưỡng điều trị mà còn là sở thích và có cả niềm tin trong đó.

Hiện nay, tại Việt Nam cũng như một số nơi như Đài Loan, Trung Quốc… có trào lưu “ăn chay giả mặn”, theo ông không nên khuyến khích. Với ý nghĩa ăn chay để thanh lọc cơ thể thì những món chay giả mặn chỉ đáp ứng nhu cầu ăn kiêng còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu của người ăn chay. Vì người ăn chay là phải ăn theo chế độ dinh dưỡng thuần khiết tự nhiên nhất mà thực phẩm chay giả mặn lúc này đã được bổ sung thêm vào nhiều chất khác vào có thể rất độc hại như chất bảo quản, chất tạo mùi cho giống thật, tạo vị, chất định hình… không rõ nguồn gốc, thậm chí ngay cả những nhà sản xuất cũng không biết được tác hại của nó. Do vậy nếu ăn trong một thời gian dài và ăn liên tục hàng tháng thì không những đã không thanh lọc được cơ thể mà trái lại đang tự đầu độc cơ thể bởi những tác nhân xấu và sẽ gây ra một số bệnh về sau này.

Thông thường, thực phẩm chay chủ yếu làm từ đậu nành, rau củ quả. Tuy nhiên, để bảo đảm độ dai, bảo quản được lâu và có mùi cũng như hình thù giống với các loại thực phẩm mặn, các nhà sản xuất, chế biến phải cho thêm hóa chất tạo mùi, mầu, chất định hình, phụ gia và chất chống ẩm mốc vào các thành phẩm… Đặc biệt là chất tạo mầu, tạo mùi, nguồn gốc thường là hóa chất (carbuahydro) gây độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, có khả năng gây rối loạn về hormone giới tính, thậm chí gây ung thư. Các thực phẩm có chất acid oxalic nếu sử dụng lâu dài sẽ làm cho cơ thể bị thiếu các vi chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt ở những người có tiền sử về thận, khớp, gút… nguy cơ cao bị sỏi thận, sỏi tiết niệu, các bệnh về xương khớp và thần kinh.

BS Nguyễn Trọng An cho biết thêm, so với chế độ dinh dưỡng thông thường, ăn chay có thể phòng được một số bệnh như: Tiểu đường, tim mạch, rối loạn chuyển hóa... Tuy nhiên, ăn chay cũng có thể gây một số bất lợi cho sức khỏe như: Chất đạm trong các thức ăn thực vật không đủ acid amin thiết yếu; chất béo tuy không có cholesterol nhưng có các acid béo no, nhất là trong nước cốt dừa và các dạng bơ thực vật. Trong rau củ cũng có nhiều chất gây cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng khác.

Những người ăn chay trường thường dễ bị thiếu máu, loãng xương, giảm đề kháng… do thiếu các vi chất dinh dưỡng như: Acid folic, sắt, vitamin B12, kẽm, phốt pho, canxi… vì các chất này trong thức ăn thực vật khó hấp thu hơn thức ăn động vật.

Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, bạn nên tìm những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm để mua. Bên cạnh đó, cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị mốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Thuận (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN