Tật khúc xạ và những hệ lụy khó lường

Sự kiện: Bệnh mắt

Theo ước tính hiện có khoảng gần 3 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ (cận, loạn, viễn...) cần đeo kính.

Theo ước tính hiện có khoảng gần 3 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ (cận, loạn, viễn...) cần đeo kính. Trong đó cận thị chiếm 2/3. Tỷ lệ tật khúc xạ chủ yếu tập trung ở các đô thị, trung bình chiếm 15-20% ở khu vực nông thôn và 25-35% ở khu vực thành thị, tuy nhiên ở các khu vực nội đô thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... chiếm trên 40% tỷ lệ học sinh mắc các tật khúc xạ.

Tỷ lệ tật khúc xạ ngày càng tăng nhanh, việc đeo kính để điều chỉnh tật khúc xạ là nhu cầu bức thiết, song trên thực tế nhu cầu này chưa được đáp ứng, khiến tật khúc xạ diễn biến chiều hướng phức tạp và có thể đoi mắt đang từ “tật” thành “bệnh”!

Nhiều trẻ đeo sai số kính

Hơn 2 tháng nay, cháu Bùi Mỹ Tâm 11 tuổi, học sinh THCS Lê Quý Đôn, TP.Nam Định thấy mắt mờ kém dần, nhìn nhòe... Cháu Tâm nói với mẹ và được đưa đến một cửa hàng kính thuốc khá lớn ở TP. Nam Định. Tại đây cháu Tâm được nhân viên sử dụng máy đo khúc xạ tự động, từ kết quả của máy các nhân viên này đã phán luôn cháu bị cận thị, tư vấn phải đeo kính cận 1,5 đi-ốp, và tiến hành mài lắp kính cho cháu Tâm.

Dù đã mua được cái kính cho con, song mẹ cháu Tâm cảm thấy không yên tâm nên quyết định đưa cháu đến Bệnh viện Mắt Nam Định để kiểm tra lại. Tại đây các bác sỹ đã kết luận mắt cháu chỉ bị cận thị nhẹ và kê đơn kính với 0,75 đi-ốp. Đồng thời phát hiện chiếc kính cháu đang đeo bị mài lắp tâm không chuẩn... Khi gặp chúng tôi, bé Tâm mới chia sẻ là chiếc kính đang đeo khiến cháu rất mỏi mắt, chóng mặt... cả tuần nay. Chị Phạm Hải Đăng, mẹ cháu Tâm cho hay, chị không biết cháu cận thị khi nào, đến khi cháu nói mờ mắt thì mới đưa đến hiệu kính trong phố. Tuy nhiên việc đo khám diễn ra quá nhanh, đồng thời cấp kính luôn cho cháu, nên khiến chị Đăng nghi ngờ về chất lượng ở đây, cảm giá không yên tâm nên mới đưa cháu đến bệnh viện chuyên khoa mắt.

Tật khúc xạ và những hệ lụy khó lường - 1

Tỉ lệ trẻ mắc tật khúc xạ ngày càng tăng nhanh.

Đây chỉ là một trường hợp điển hình của tình trạng khám, đo mắt, mài lắp kính ở nhiều cửa hàng kính thuốc hiện nay. Việc cấp sai số kính, mài lắp kinh không đồng trục, chệch tâm ...là hiện tượng thường gặp. Chưa nói đến việc nhiều cháu phải đeo oan số kính, đeo số cao trong thời gian dài... khiến cho các em mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí biến chứng liệt điều tiết.... Như một trường hợp của cháu Nguyên T.V, 18 tuổi, khám tại Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TW với số kính đang đeo là 5 đi-ốp, không đạt được thị lực tối đa, chỉ đạt thị lực 5-6/10, phát hiện thấy bất thường nên các bác sỹ khám kỹ, nhỏ giãn đồng tử, si bóng đồng tử và thử các test... kết luận mắt Nguyễn T.V chỉ bị cận loạn 0,5 đi -ốp. Nguyễn T.V cho biết đã đeo kính hơn 1 năm và khám lại định kỳ, không có cảm giác chóng mặt, nhức đầu. Tuy nhiên, các bác sỹ cho đeo số kính này trên thực tế thì thị lực không thể đạt như đeo số kính cũ 5 đi-ốp. Theo Điều dưỡng, kỹ thuật viên khúc xạ Vũ Thị Nga, đây là một trường hợp điển hình bị co quắp điều tiết. Các thầy thuốc khoa khúc xạ không thể làm cách nào khác đành phải hạ bớt số kính xuống 3 đi-ốp để tiếp tục học tập, mà đáng ra độ cận thị chỉ là ...0,5 đi ốp. Trên thực tế, nhiều trường hợp đeo kính lần đầu , nên để ý sẽ thấy các cháu thấy khó chịu hay thoải mái với số kính đang đeo. Bởi ở các cháu nhỏ tuổi thường chịu đựng hoặc không chịu nói với bố mẹ, việc phát hiện cảm giác này rất cần sự quan tâm của các phụ huynh.

Theo các kết quả khảo sát, đánh giá ngẫu nhiên của Tổ chức HKI Việt Nam tại tỉnh Kon Tum năm 2011, có tới 50% số lượng kính đã cắt không đạt tiêu chuẩn, (như sai khoảng cách đồng tử 36%;  lệch tâm 64 %; sai công suất so với đơn kính 12%; số kính quá rộng so với khuôn mặt 2%...). Đây là vấn đề lớn được đặt ra bởi những hệ lụy của nó ảnh hưởng đến đôi mắt rất lớn của các em học sinh, thế hệ trẻ và thậm chí gây những hậu quả không thể khắc phục.

Qua các đợt khám sàng lọc, khảo sát, phát hiện nhiều học sinh mắc mới các tật khúc xạ nhưng chưa được chỉnh kính, đeo kính... Việc bị khúc xạ chưa được chỉnh kính ảnh hưởng lớn đến thị lực, sinh hoạt và học tập... Thậm chí nếu không được chỉnh kính kịp thời sẽ gây những biến chứng sang các bệnh về mắt từ nhẹ tới nặng, như: rối loạn điều tiết, lác, nhược thị, bong võng mạc... có thể gây mù lòa.

Không thể xem thường khi mắc tật khúc xạ

Theo bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Đông, hiện nay đa phần các cửa hàng kính sắm các máy đo khúc xạ tự động miễn phí và luôn dựa vào kết quả này để tư vấn lắp và bán kính cho khách hàng. Kết quả của máy đo khúc xạ tự động chỉ là tham khảo xem có mắc tật khúc xạ hay không và cần thiết phải được các bác sỹ chuyên khoa mắt, các khúc xạ viên khám, đánh giá thị lực và chỉnh kính trên thực tế của mỗi người. Đặc biệt, việc khám và xác định lần đầu đối với trẻ em khi mắc các tật khúc xạ là hết sức cẩn thận, tuân thủ quy trình khám chặt chẽ. Vì không có chuyên môn, thường họ dựa vào kết quả này và tư vấn luôn cho khách hàng số kính phải lắp, cùng với sự tiện lợi và đồng ý của khách hàng.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương, với đối tượng trẻ em mắt có khả năng điều tiết rất lớn. Lúc mệt mỏi, học hay đọc nhiều, mắt trẻ có thể giảm thị lực tạm thời nhưng khi được thư giãn nghỉ ngơi mắt sẽ trở lại bình thường. Trong trường hợp này đi khám có thể sẽ gây tình trạng cận thị giả. Nếu không được đo, khám một cách kỹ lưỡng trẻ rất dễ phải đeo kính cận một cách vô lý. Nhiều trường hợp tự ý đi đo và lắp kính tại cửa hàng đã phải đeo những cặp kính sai số, gây ra nhức mỏi mắt, gây rối loạn điều tiết, phải tới khám lại tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Tuy nhiên việc điều trị rối loạn điều tiết không đơn giản, nhiều trường hợp nhức mỏi mắt, giảm thị lực đã không thể giải quyết được.

Để có một đơn kính chính xác đối với trẻ khám tật khúc xạ lần đầu, trước hết trẻ cần được thử thị lực và đo khúc xạ bằng máy đo khúc xạ tự động, nếu nghi ngờ trẻ có tật khúc xạ, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định cho trẻ nhỏ thuốc liệt điều tiết tạm thời, sau đó trẻ sẽ được đo khúc xạ khách quan bằng thiết bị soi bóng đồng tử. Cuối cùng kỹ thuật viên chỉnh quang sẽ thử kính cho trẻ và đưa ra đơn kính đúng nhất. Tùy thuộc vào loại thuốc liệt điều tiết mà một quy trình khám và cấp đơn kính mất 2 ngày, hoặc là 3 tuần. Khi mắc các tật khúc xạ, nên khám mắt định kỳ 4-6 tháng/lần.

Thông tư số 41 ngày 14-11- 2011 của Bộ Y tế về Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ rõ kinh doanh dịch vụ kính thuốc là loại hình có điều kiện. Cụ thể, tại Điều 34 của thông tư 41 quy định: điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ kính thuốc ngoài việc đáp ứng các quy định về cơ sở vật chất, thiết bị y tế thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ kính thuốc phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên, có chứng chỉ hành nghề về dịch vụ kính thuốc và có thời gian thực hiện đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt tại cơ sở dịch vụ kính thuốc hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa mắt ít nhất là 45 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp y trở lên… Ngoài ra, phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề cũng được quy định: Đo tật khúc xạ mắt, tư vấn về việc sử dụng kính; mài lắp kính thuốc theo đơn của bác sĩ và bảo hành kính thuốc. 

Tuy nhiên trên thực tế, do nhận thức và nhu cầu tiện lợi của khách hàng, nhiều cửa hàng kinh doanh mắt kính tùy tiện trong việc đo, và mài lắp kính thuốc cho khách hàng. Và điều này đã dẫn tới nhiều hệ lụy cho đôi mắt, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ như chúng tôi đề cập ở trên. Trẻ bị mắc các tật khúc xạ cách duy nhất là được chỉnh và đeo kính đúng số. Tuy nhiên không ít người vẫn tin vào các thông tin sai lệch như: bấm huyệt chữa cận thị, không đeo kính sẽ khiến giảm tăng số, không cho trẻ đeo kính thường xuyên....Vì vậy nâng cao kiến thức, nhận thức của cộng động về tật khúc xạ, khám định kỳ, đeo kính theo hướng dẫn của thầy thuốc ...là yêu cầu cấp bách đặt ra.

Bên cạnh đó, nguồn chất lượng và giá cả về kính và gọng kính hiện nay được quản lý như thế nào, nguồn gốc kính gọng được nhập từ đâu, các chương trình đào tạo các kỹ thuật viên mài lắp kính được giám sát và quản lý ra sao?....đang là những lỗ hổng rất cần các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát siết chặt để bảo vệ đôi mắt người dân và các em học sinh!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đông Phương Hồng (SKĐS)
Bệnh mắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN