Sốt xuất huyết mà bác sĩ nói viêm họng!
Tuy chưa vào mùa cao điểm SXH nhưng số ca mắc năm tháng đầu năm 2015 ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM tăng 100% so với cùng kỳ năm 2014.
Sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng lan nhanh, thay đổi chủng virus, tấn công mạnh cả người lớn, trong khi đó vaccine, thuốc điều trị chưa có. Trước nguy cơ bùng phát dịch, hôm nay (12-6) tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức họp báo kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống SXH.
Đã trải qua một tuần điều trị SXH nhưng bệnh nhi Trần Ngọc Hoàng Oanh (tám tuổi, thị xã Gò Công Đông, Tiền Giang) vẫn còn nằm lừ đừ trong phòng cấp cứu khoa SXH BV Nhi đồng 1. “Cách đây mấy năm, cháu đã bị SXH một lần, tôi tưởng không bị nữa, ai dè bị tiếp. Vậy mà ở dưới quê bác sĩ (BS) chẩn đoán viêm họng” - mẹ bé Oanh nói.
Từ trẻ em bị bệnh
Theo lời mẹ bé Oanh, cách đây bảy ngày bé phát sốt, lừ đừ, ăn uống kém. Đi BS tư khám, BS nói bé bị… viêm họng, cho thuốc về uống nhưng không khỏi. Đến ngày thứ tư của bệnh, gia đình lo lắng đưa lên BV Nhi đồng 1, BS khám nói bị SXH, cho về nhà theo dõi. Tuy nhiên, hôm sau tái khám bé đã phải nhập viện và vào phòng cấp cứu để điều trị tích cực.
“Nghe báo cháu bị SXH, cán bộ y tế thị xã đã gọi điện thoại hỏi thăm khi nào bé xuất viện sẽ đến xịt thuốc diệt muỗi trong khu vực. Xung quanh nhà có nhiều ao, vườn cây nên rất nhiều muỗi” - mẹ bé Oanh cho biết.
Ngoài hành lang, bé Phạm Thanh Thảo (21 tháng tuổi, quận Bình Tân) cũng nằm trên võng ngủ li bì. Bé Thảo nhập viện sáng 9-6 vì SXH. Mẹ bé Thảo cho biết chị và chồng đều làm công nhân nên gửi bé ở nhóm trẻ gia đình từ rất sớm. Tuần qua, nhóm trẻ có sáu đứa nhưng đến… năm đứa bị sốt, một đứa vào BV quận Bình Tân, hai đứa vào BV Nhi đồng 1 do SXH và tay-chân-miệng… Giờ hai vợ chồng chị đều xin nghỉ làm vào bệnh viện chăm sóc con. “Nào giờ có biết SXH là gì đâu, vào đây nghe BS nói nếu mắc mà không biết, theo dõi không kỹ thì có khả năng biến chứng và tử vong. Nghe vậy tui lo lắm!” - mẹ bé Thảo bộc bạch.
ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH BV Nhi đồng 1, cho biết hiện trong khoa có 48 trẻ SXH nằm điều trị nội trú, đa số bệnh nhi đều ở TP.HCM, trong đó có hai trẻ bị sốc. “Đa số trẻ nhập viện sau khi có những dấu hiệu xuất huyết, kèm theo dấu hiệu cảnh báo chuyển sang tình trạng nặng, một số trẻ được BS dặn dò điều trị ngoại trú. Ngoài ra còn một số trẻ được các bệnh viện khác chuyển đến trong tình trạng nặng, tái sốc, suy hô hấp hay xuất huyết nặng” - BS Tuấn cho biết thêm.
Tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, ghi nhận của PV có chín trẻ bị SXH đang điều trị nội trú.
Một bệnh nhi SXH nặng được điều trị tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: TÙNG SƠN
Đến người lớn cũng SXH
Còn tại BV Bệnh nhiệt đới, trung bình mỗi ngày có 10 người lớn mắc SXH đến điều trị nội trú. Bệnh nhân Nguyễn Sinh Thới (18 tuổi, quận 12) vừa trải qua bảy ngày “chiến đấu” với SXH. Bệnh nhân này cho biết trước đó thấy sốt, đau bụng, nhức đầu dữ dội nhưng uống thuốc không hết. Đi khám bệnh BS nói bị mắc siêu vi nhưng sốt thì vẫn kéo dài nên đến BV Bệnh nhiệt đới kiểm tra và phát hiện mắc SXH. Sau bảy ngày, da chân của bệnh nhân Thới xuất hiện nhiều đốm huyết đỏ.
Nằm bên cạnh, bệnh nhân Hà Minh (32 tuổi) từ Tiền Giang chuyển lên đã bước sang ngày thứ sáu của bệnh. Anh Minh cho biết lúc đầu mới sốt cứ nghĩ là bị cảm bình thường nên ra nhà thuốc mua thuốc giảm đau, hạ sốt về uống. Nhưng sang ngày thứ hai, thứ ba thì sốt cao dữ dội, người bứt rứt nên gia đình đưa lên BV Bệnh nhiệt đới để khám và phát hiện SXH.
Theo nhận định của BS Nguyễn Thanh Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp, tuy chưa vào mùa cao điểm của bệnh SXH nhưng so sánh với cùng kỳ năm 2014 thì số ca tăng… 100%! Nếu như năm tháng đầu năm 2014 bệnh viện ghi nhận hơn 1.280 ca thì năm tháng đầu năm 2015 hơn 2.410 ca. Theo lý giải của các BS, nguyên nhân là do “đuôi” dịch năm 2014 cao và kéo dài qua đầu năm 2015.