Rước họa với... thuốc tăng trí nhớ

Gánh nặng "vượt vũ môn" khiến không ít sĩ tử, phụ huynh học sinh lo lắng, bất an và tìm đến thuốc bổ, thuốc tăng cường trí nhớ… như “phao cứu sinh”. Thế nhưng thực tế thì các chuyên gia về dược khẳng định sĩ tử đang rước họa với các loại thuốc này.

Lạm dụng thuốc tăng trí nhớ, thuốc bổ

Chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 và kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhiều học sinh tại TP.HCM khởi động "chiến dịch" tăng cường sức lực và trí lực cho mình. Một trong những phương pháp được phụ huynh, học sinh truyền tai nhau là sử dụng các loại thuốc tăng cường trí nhớ. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (quận 10) cho biết: “Cháu nhà tôi chuẩn bị thi vào lớp 10, cháu học suốt ngày và than nhức đầu nên tôi chuẩn bị khá nhiều thuốc Ginkgo biloba (một loại thuốc tăng cường trí nhớ - PV); kèm theo đó là các loại thuốc bổ mắt, bổ não… để cháu sẵn sàng bước vào kỳ thi”.

Rước họa với...  thuốc tăng trí nhớ - 1

Phụ huynh hỏi mua thuốc bổ não ở một nhà thuốc quận 10, TPHCM.  Ảnh:  Quốc Hải

Không chỉ các học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10, nhiều thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia cũng thường xuyên sử dụng các loại thuốc “bổ não” cho mùa thi. Em Hoàng Tú Anh (THPT Marie Curie, quận 3) cũng cho biết: “Gần đến ngày thi, em học gì cũng khó vô. Nghe tụi bạn giới thiệu ra nhà thuốc tây mua một vài loại thuốc bổ não như Arcaliotin, Piracetam… em mua về sử dụng thì thấy học bài khá hiệu quả”. Tú Anh bảo, các bạn trong lớp đều mách nhau uống thuốc như thế nên số bạn uống thuốc bổ là khá lớn.
 

Tại cửa hàng thuốc tây Long Châu trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, một nhân viên bán thuốc quảng cáo: Thuốc tăng cường trí nhớ có rất nhiều loại như: Ginkgo biloba, Focus factor, tinh dầu hải cẩu Omega3, thuốc bổ não DHA, viên uống tăng cường trí nhớ… Tác dụng chung đều giúp tăng cường trí nhớ, làm tinh thần tỉnh táo, đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc căng thẳng.

Mối họa từ uống nhầm thuốc

Thực tế, đem danh sách những loại thuốc đang thịnh hành được quảng cáo là giúp tăng cường trí nhớ hỏi các chuyên gia được biết, ngoài một số sản phẩm của đông y có tác dụng hỗ trợ thần kinh, phần còn lại đều dùng cho người có bệnh về thần kinh chứ không hề dành cho học sinh ôn thi. PGS-TS Nguyễn Hữu Đức- giảng viên chính bộ môn Dược (Đại học Y Dược TP.HCM), cho biết: Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra được thuốc nào cho tác dụng thần kỳ như tạo sự thông minh, tăng cường trí nhớ. Một số thuốc bổ não hiện nay đa số được sử dụng nhằm điều trị cho người già, sa sút trí tuệ hoặc các di chứng bệnh... Một số thuốc được quảng cáo là “thần dược trí nhớ” thậm chí còn có tác dụng gây nghiện như nghiện ma túy nên trước khi sử dụng phải được bác sĩ chỉ định.

“Nếu tự uống và lạm dụng thuốc lâu dài sẽ có hại cho sức khỏe, dễ thành thói quen ỷ lại vào thuốc, sinh hoang tưởng, thậm chí gây tác dụng ngược do mua phải những loại thuốc kích thích thần kinh đang bị cấm” - ông Đức nói.

Còn BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết: Các bậc phụ huynh và học sinh hiện nay thường mắc sai lầm trong vấn đề dinh dưỡng, không phải cứ uống thuốc bổ liên tục là tốt. Thực tế vì nhiều lý do, các em học sinh bỏ bữa, ngủ không đủ giấc làm cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ. Cần khắc phục bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ xen kẽ; học khoảng 4 - 5 giờ thì xen kẽ với việc ngủ những giấc ngắn để não được nghỉ ngơi.

 Tại Hà Nội, “phong trào” uống thuốc bổ não trong mùa thi đã thịnh hành từ vài năm nay dù đã có nhiều cảnh báo về tác hại của việc dùng bừa bãi các loại thuốc này. Chị Nguyễn Thu Thanh - chủ hàng bán buôn thuốc tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) cho biết, cứ tới mùa thi, doanh số bán các loại thuốc này tăng đột biến. Các loại thuốc phổ biến nhất thường được phụ huynh và học sinh tìm mua là glutaminol B6, Pho-L, hoạt huyết dưỡng não, arcaliotin, piracetam, duxil và cao dán chống buồn ngủ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN