Phương pháp mới dự báo nguy cơ chết sớm
Xét nghiệm máu đo hoạt động của hệ miễn dịch có thể giúp các bác sĩ xác định những người có nguy cơ chết sớm.
Các nhà khoa học ở Mayo Clinic (Mỹ) đã đo các mức thành phần phân tử của hệ miễn dịch (chuỗi nhẹ tự do) ở 15.859 cư dân vùng Minnesota từ 50 tuổi trở lên và phát hiện ra rằng ở những người có mức phân tử nằm trong khoảng 10% cao nhất, nguy cơ tử vong trong 13 năm tiếp theo cao gấp 4 lần.
Xét nghiệm chuỗi nhẹ tự do thường được sử dụng để chẩn đoán và kiểm soát các chứng rối loạn máu hoặc các bệnh ung thư liên quan tới máu như ung thư bạch huyết hay đa u tuỷ.
Đây là nghiên cứu đầu tiên liên kết mức độ cao của chuỗi nhẹ tự do với khả năng tử vong sớm trong nhóm người không có bất kì chứng rối loạn máu nào.
Xét nghiệm chuỗi nhẹ tự do thường được sử dụng để chẩn đoán và kiểm soát các chứng rối loạn máu.
Thông thường, các chuỗi nhẹ gắn với các chuỗi nặng sẽ tạo thành kháng thể chống nhiễm trùng. Theo Vincent Rajkumar, chuyên gia huyết học tại Mayo Clinic, sự xuất hiện của những chuỗi nhẹ tự do không gắn kết được xem như dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch không còn hoạt động tốt do sưng viêm hoặc nhiễm trùng.
Các mức của chuỗi nhẹ tự do trở nên hiệu quả trong việc dự đoán khả năng tử vong từ nhiều nguyên do bao gồm cả ung thư, bệnh tim mạch, bệnh phổi và tiểu đường.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu không làm rõ được vì sao các chuỗi nhẹ tự do lại liên quan tới khả năng chết sớm. Mức độ cao có thể chỉ hiện tượng sưng viêm, liên quan tới bệnh tim và các vấn đề sức khoẻ khác. Thế nhưng, đó cũng có thể là một dấu hiệu suy giảm hệ miễn dịch do tuổi tác.
Hiện tại, tiến sĩ Rajkumar và đồng nghiệp kêu gọi các bác sĩ không sử dụng xét nghiệm này như một công cụ tầm soát, vì nó sẽ chỉ gây ra sự lo lắng cho bệnh nhân.
Nhưng mặt khác, nếu các bác sĩ yêu cầu xét nghiệm chuỗi nhẹ tự do vì một lí do cụ thể nào đó và kết quả cho thấy chỉ số này ở mức cao thì họ có thể dựa vào đó để tiến hành kiểm tra các vấn đề sức khoẻ khác.