Những sai lầm trong giải rượu có thể nguy hiểm đến tính mạng

Sự kiện: Sống khỏe

Trong dịp Tết, ngộ độc rượu thường xảy ra nhiều. Những sai lầm trong việc giải rượu như cho uống nước chanh, cố gây nôn… có thể nguy hiểm tính mạng hơn.

Ngày nào cũng có người nhập viện do ngộ độc rượu

BS Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tại Trung tâm chống độc ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện ngộ độc rượu do ethanol và methanol (cồn công nghiệp).

Những sai lầm trong giải rượu có thể nguy hiểm đến tính mạng - 1

Theo BS Nguyên, Tết là thời điểm người ngộ độc rượu gia tăng

Vào thời điểm trước và sau Tết, ngộ độc rượu cấp tính thường tăng nhiều so với các thời điểm khác trong năm. Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng hôn mê sâu với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, tiêu cơ vân, suy thận.

Bệnh nhân ngộ độc do ethanol, nhẹ thì bị ức chế thần kinh trung ương gây kích thích, phấn chấn, nói nhiều, không làm chủ được bản thân khi điều khiển phương tiện giao thông; nặng thì gây tụt huyết áp, loạn nhịp tim, thở yếu, có thể ngừng thở, gây hạ đường máu, viêm dạ dày, chảy máu dạ dày… Còn với bệnh nhân ngộ độc rượu do methanol nguy hiểm hơn nhiều. Nhẹ thì ả̉nh hưởng đến thị lực, nặng ảnh hưởng đến thần kinh, não, máu, tim mạch, huyết áp, thận… rất dễ dẫn đến tử vong. Nếu may mắn giải độc kịp thời vẫn có thể để lại di chứng ở não bộ.

Theo BS Nguyên, khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và nằm nghiêng sang một bên.

Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng không biết, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... cần phải đưa tới bệnh viện khám. Với cả hai trường hợp chúng ta phải ủ ấm cho bệnh nhân, đặc biệt là trời rét. Tuyệt đối không cho người bệnh tự điều khiển xe cộ hay lao động… dễ gây ra các tai nạn đáng tiếc.

Những sai lầm trong giải rượu có thể nguy hiểm đến tính mạng - 2

Bệnh nhân ngộ độc rượu được điều trị tại bệnh viện

Sai lầm khi giải rượu nhiều người mắc phải

BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, có rất nhiều sai lầm mọi người hay mắc phải khi giải rượu cho người uống rượu say. Một trong những sai lầm khi giải rượu nhiều người mắc phải nhất là cho người say rượu uống nước chanh hoặc các đồ uống chua. Tuy nhiên nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với nước uống chua dễ gây nôn thêm, tổn thương dạ dày do có axit. Nên cho họ uống các đồ uống có đường, muối như nước đường, mật ong, nước canh…

Thứ hai, việc gây nôn cũng cần phải lưu ý. Trường hợp uống rượu xong vẫn tỉnh táo, nói chuyện được bình thường có thể gây nôn nhưng trong tình trạng không tỉnh mà cố gây nôn sẽ rất nguy hiểm. Việc cố ép gây nôn dễ sặc, chất nôn nhiều có thể bị tràn vào phổi dễ gây viêm phổi. Ngoài ra, sau khi uống rượu cũng không nên đi ra ngoài đường ngay, nhất là trong thời tiết lạnh dễ làm giãn mạch, hạ thân nhiệt nhanh.

“Uống rượu quá chén gây rất nhiều tác hại đối với sức khỏe con người. Bởi vậy, người dân cần tiết chế, điều độ không nên uống nhiều rượu. Không nên uống nhiều loại rượu cùng một lúc. Khi thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt... sau vài tiếng uống rượu, người dân cần tới bệnh viện khám ngay” – BS Nguyên khuyến cáo.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, mọi người không nên cố săn lùng những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không có một loại thuốc giải độc nào chống được say rượu chứng minh có tác dụng hiệu quả rõ ràng. 

Các loại thuốc giải rượu chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần bù lại một số chất vitamin, muối, đường chứ không thể làm thay đổi hẳn việc đang hôn mê, ức chế thần kinh do ngộ độc rượu khi uống vào tỉnh trở lại là không có.

Để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tác dụng phụ của rượu, khi uống rượu mọi người cần ăn uống đầy đủ. Người có bệnh về gan mật, huyết áp, tim... cần thận trọng khi uống rượu.

Theo khuyến cáo, với nam giới lượng rượu nên uống một ngày không quá 50ml loại rượu 39 – 40 độ, bia không quá 400ml. Còn nữ giới lượng chỉ ½ của nam giới.

Mọi người cần chú ý tránh người say rượu đi ngủ. Đôi lúc họ có thể đang trong trạng thái hôn mê sâu, việc đi ngủ có thể dẫn đến tình trạng nguy kịch do phát hiện muộn. Sau vài tiếng đồng hồ nên kiểm tra phản ứng. Nếu họ có thể dậy nên cho ăn cháo loãng để nhanh hồi phục sức lực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN