Những ổ dịch trong nguồn nước tại TP.HCM

Ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn TP. HCM hiện được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong nhiều thế kỷ qua.

Các dòng kênh trong nội thành bị ô nhiễm đã đành, các dòng sông lớn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu con người cũng không thoát khỏi số phận tương tự.

Theo thống kê, hệ thống kênh rạch của thành phố mỗi ngày bị đầu độc bởi "sơ sơ"... 40 tấn rác thải các loại và 70.000m3 nước thải công nghiệp chưa qua xử lý. Trong khu vực nội thành, những dòng kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Đôi - kênh Tẻ, kênh Tàu Hũ, Tân Hóa - Lò Gốm bị ô nhiễm từ vài chục năm nay là chuyện đã đành thì đến hiện nay ngay khu vực ngoại thành từ Bình Chánh, Hóc Môn đến Củ Chi... những dòng kênh vốn phục vụ cho việc tưới tiêu trước đây nay cũng biến thành những dòng kênh mà người dân đã gọi là kênh sủi bọt, kênh ngứa, kênh nín thở...

Những ổ dịch trong nguồn nước tại TP.HCM - 1

Các dòng kênh tại TP.HCM luôn có màu đen và trong tình trạng ngập ngụa rác

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, sau những đợt kiểm tra, lấy mẫu nước ở các ghe, sà lan để xét nghiệm, kết quả về vi sinh 16,36% không đạt tiêu chuẩn, về hóa lý gần 4% các mẫu không đạt. Các mẫu không đạt hầu hết chứa các vi khuẩn Coliforms, E.coli.

Đáng lưu ý là chất lượng nước sinh hoạt, ăn uống của người dân cũng không đạt tiêu chuẩn. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM trong năm 2011, chất lượng nước gia đình ở các hộ dân nhiều nơi không ổn định. Các mẫu nước không đạt chuẩn vi sinh tập trung nhiều ở các quận: quận 7, 9, Bình Thạnh, Tân Phú, Phú Nhuận. Về hóa lý, các mẫu không đạt tập trung nhiều ở quận 6 và Bình Thạnh. Hầu hết không đạt về chỉ tiêu Permanganat, một số mẫu bị nhiễm sắt.

Về nước giếng ở các hộ dân, hầu hết các hộ dân không khử trùng khi sử dụng. Đa phần nước giếng ở các hộ dân đều nhiễm bẩn hữu cơ (amoni, nitrat, nitrit...).

Theo BS Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng khoa sức khỏe cộng đồng Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nguyên nhân nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai bị ô nhiễm như hiện nay một phần là do nước thải từ hoạt động sinh hoạt và công nghiệp tại khu vực Củ Chi, Hóc Môn và từ một lượng lớn nước thải sinh hoạt và công nghiệp từ thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đổ ra sông Sài Gòn; đồng thời nước thải sinh hoạt và công nghiệp từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) đổ ra làm cho chất lượng nước sông Sài Gòn – Đồng Nai ngày càng xấu đi.

Theo các chuyên gia, E.coli là một loại vi khuẩn gây bệnh, có nhiều dạng thể, đa phần vi khuẩn này gây ra viêm đường ruột, tiêu chảy và ói mữa; ở một thể khác có thể xâm lấn gây ra viêm mật. Riêng Coliform là vi khuẩn chỉ điểm để xác định nguồn nước bị ô nhiễm và thường đi kèm với một số vi khuẩn gây bệnh khác. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế về chất lượng nước ăn uống thì số lượng vi khuẩn E.Coli và Coliform phải bằng 0.

Ô nhiễm không chỉ là chuyện của các dòng kênh mà ngay cả lưu vực sông Đồng Nai, trong đó có sông Sài Gòn nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 10 triệu dân của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đang bị đầu độc. Hoạt động công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển đô thị... được các nhà khoa học xem là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nói chung và sông Sài Gòn nói riêng.

Chỉ tính riêng các BV đóng trên địa bàn TP.HCM, mỗi ngày cũng thải ra môi trường khoảng 23.000m3 nước thải y tế. Phần lớn trong số đó do nhiều BV chưa có hệ thống xử lý hoặc có nhưng không đạt chuẩn nên nước thải y tế được chảy thẳng trực tiếp ra môi trường. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, chỉ tính riêng các phòng khám đa khoa đóng trên địa bàn thì có đến 78,71% các cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Những ổ dịch trong nguồn nước tại TP.HCM - 2

Phía thượng nguồn của lưu vực trên sông La Ngà, hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng... người ta vẫn cứ vô tư nuôi cá bằng phân gà, phân heo

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên Môi trường, trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có gần 500 làng nghề, 9.000 cơ sở sản xuất, 1.633 cơ sở y tế... xả nước thải vào lưu vực sông này; trong đó hầu hết nước thải chưa qua xử lý. Ngoài ra, hiện nay phía thượng nguồn của lưu vực trên sông La Ngà, hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng,... người ta vẫn cứ vô tư nuôi cá bằng phân gà, phân heo.

Theo các chuyên gia y tế, hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỉ lệ người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm nước như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư ngày càng tăng lên. Ngoài ra, tỉ lệ trẻ em tử vong tại các khu vực bị ô nhiễm nguồn nước là rất cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngô Đồng (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN