Nhiều gia đình nghỉ học, nghỉ làm vì đau mắt đỏ, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp

Trong gia đình hay trong lớp học chỉ cần một người mắc bệnh là các thành viên còn lại cũng có thể bị lây nhiễm.

Tất cả 4 thành viên trong gia đình chị T. ở Hai Bà Trưng, Hà Nội đều bị đau mắt đỏ. Chị T. chia sẻ: “Khi đón con gái ở trường mầm non về nhà, tôi phát hiện một bên mắt của cháu bị đỏ, có gỉ. Đến hôm sau thì tôi cùng chồng và con trai lớn cũng có triệu chứng tương tự. Cả nhà đi khám, bác sĩ kết luận đau mắt đỏ và khuyến cáo nghỉ học, nghỉ làm cách ly ở nhà”.

Hình ảnh đau mắt đỏ. (Ảnh minh họa).

Hình ảnh đau mắt đỏ. (Ảnh minh họa).

Tại BV Mắt Trung ương, so với tháng 6-2023, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và đầu tháng 9-2023 tăng gấp gần 2 lần. Trong đó có nhiều trẻ đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Trẻ đau một bên, rồi hai bên mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt TW cho thấy, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt TW cho biết, nếu như các năm trước, khi mới bước vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh phải đến khám, thì năm nay đã có khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Các cháu đau một bên, rồi hai bên, mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.

Bác sĩ cũng lưu ý, mặc dù chưa có những số liệu thống kê liên quan về biến chứng, nhưng thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó người dân không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Nguồn: [Link nguồn]

Dịch đau mắt đỏ lây lan nhanh, nhiều người biến chứng nặng

Bệnh dễ lây lan, xảy ra quanh năm có thể lan rộng ra thành dịch trong thời điểm từ hè đến cuối thu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo DIỆU THU ([Tên nguồn])
Bệnh đau mắt đỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN