Nguy cơ tái bùng phát dịch cúm A/H5N1

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện 4 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong. Dự báo thời gian tới nguy cơ xảy ra và bùng phát trở lại của dịch cúm A/H5N1 là rất lớn.

Tại Hội thảo truyền thông nguy cơ về bệnh cúm A/H5N1 sáng 22/11, ông Trần Thanh Dương - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết, thời gian tới dịch cúm A/H5N1 tiếp tục bùng phát trên gia cầm cũng như ảnh hưởng đến người nếu như các cơ quan chức năng không có các biện pháp khống chế triệt để.

Trong khi đó, việc giao thương buôn bán và tình trạng buôn lậu gia cầm bị bệnh trong thời gian qua đang là nguy cơ rất lớn để bùng phát việc lây lan cúm A/H5N1 từ vùng này sang vùng khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Nguy cơ tái bùng phát dịch cúm A/H5N1 - 1

Phần lớn những trường hợp mắc cúm A/H5N1 đều liên quan đến chăn nuôi, giết mổ và ăn thịt gia cầm.

Theo Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm A/H5N1 vẫn xuất hiện rải rác trên cả gia cầm và trên người. Các ổ dịch xuất hiện nhỏ lẻ, rải rác, chủ yếu trên đàn thủy cầm tại các hộ gia đình. Đặc biệt, tại Việt Nam, những trường hợp mắc cúm A/H5N1 có tỷ lệ tử vong cao.

Nguyên nhân do chủng virus này lưu hành ở trong nước có độc lực cao và đa phần các trường hợp mắc bệnh này nhập viện muộn. Trong năm 2012 đã có 4 người mắc, trong đó có 2 ca tử vong.

Thông báo mới đây của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn) về kết quả phân tích giải trình gen cho thấy đã xuất hiện nhánh virus cúm gia cầm mới ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện tác dụng bảo vệ của vaccine trước chủng virus cúm gia cầm mới này giảm mạnh, chỉ còn 35 - 40%. Điều này khiến nguy cơ dịch cúm A/H5N1 trên người ngày càng cao.

Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh là đường lây truyền chính. Thực tế thời gian qua cho thấy, phần lớn những trường hợp mắc cúm A/H5N1 đều liên quan đến chăn nuôi, giết mổ và ăn thịt gia cầm. Vì vậy, để phòng dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Tránh đến viện muộn vì khi đó bệnh đã nặng, nguy cơ tử vong cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận (Gia đình & Xã hội)
Bùng phát cúm gia cầm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN