Nghiện smartphone, phải nhập viện chữa xương khớp

Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều người sử dụng smartphone( điện thoại thông minh) mắc phải các chứng bệnh về cơ xương khớp được đưa đến bệnh viện điều trị, trong đó có không ít trường hợp buộc phải phải phẫu thuật để bảo toàn tính mạng.

Tác hại của smartphone

Một bệnh nhân do sử dụng quá mức smartphone nên đã mắc các chứng bệnh về cơ xương khớp đã đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Trong những ngày qua, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM liên tục tiếp nhận những trường hợp mắc các chứng bệnh liên quan đến cơ xương khớp do sử dụng smartphone quá mức. Mới đây nhất là trường hợp của anh N. (doanh nhân, 35 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) đã tìm đến bệnh viện này trong tình trạng cổ tay phải bị sưng to và tỏ ra rất đau đớn.

Theo như lời anh N., gần đây anh cảm thấy đau mỏi các khớp ngón tay, đặc biệt cổ tay bên phải đau và sưng thành cục, có thể sờ thấy một cục phần ngoài cổ tay, ấn vào thì rất đau.

Ngày 21.6, bác sĩ Nguyễn Đức Thành (khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhân N. bị bệnh cơ xương khớp.

Qua điều tra bệnh sử, được biết do tính chất công việc, anh N. phải sử dụng điện thoại liên tục để nhắn tin, chat, gửi email cho các đối tác; mà dùng điện thoại thì thuận tiện và cơ động hơn so với máy tính.

Nhiều lúc bấm smartphone liên tục tay đau quá, anh buông điện thoại ra, nghỉ một lúc cho bớt đau rồi làm việc tiếp. Sau một thời gian cố gắng chịu đau để làm việc, anh N. phát hiện ở cổ tay xuất hiện cục u, bóp vào rất đau nên đã đến bệnh viện khám.

Theo bác sĩ Thành, những người thường xuyên sử dụng smartphone có nguy cơ bị các triệu chứng đau mỏi ở vùng cổ tay, các ngón tay, có thể kèm theo đau mỏi vùng vai, cột sống cổ, thắt lưng...

Phân tích của bác sĩ Thành cho thấy khi bấm điện thoại thông minh, lực bấm lớn gây tác động trực tiếp lên đầu ngón tay. Tác hại của việc sử dụng smartphone thường xuyên ngày càng phổ biến hơn và không mấy ai để ý đến điều này.

“Trên thực tế lâm sàng, các trường hợp này, bác sĩ gặp ở phòng khám ngày một nhiều, chủ yếu là người làm việc văn phòng, ngoài việc sử dụng máy tính còn dùng điện thoại rất nhiều cho công việc và giải trí nên gây ra những biểu hiện bệnh chủ yếu là đau ở bàn tay, các loại bệnh trên bàn tay, ngoài ra còn ảnh hưởng trên cột sống như cột sống cổ, cột sống thắt lưng hoặc vai”, bác sĩ Thành nói.

Cũng theo bác sĩ Thành, có 3 biểu hiện của bệnh cơ xương khớp có liên quan đến việc sử dụng smartphone thường xuyên.

Biểu hiện đầu tiên là người bệnh có cảm giác giác đau nhức ở phần gốc ngón tay, kế đến là đau ở vùng cổ tay và chèn ép dây thần kinh giữa ở cổ tay gây cảm giác châm chích, tê tay như kiến bò, làm việc rất khó khăn, nhiều khi phải ngưng lại không thể làm nữa.

“Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng lâu dài điện thoại smartphone với tư thế cố định, không thay đổi, nên có sự tác động quá lớn lên dây chằng, gân cơ vùng xương cổ, vai và vùng thắt lưng, cũng như các dây chằng, gân cơ ở vùng cổ tay, bàn tay. Ngoài ra những bàn phím ảo của những loại điện thoại khác cũng gây những triệu chứng vậy”, bác sĩ Thành cho biết thêm.

“Đối với những bệnh liên quan đến thần kinh với các biểu hiện đau, tê, chèn ép thần kinh, nếu điều trị không kịp thời sẽ để lại di chứng lâu dài hoặc vĩnh viễn, vì khi đó dây thần kinh chèn ép lâu ngày, gây thoái hóa nặng”, bác sĩ Thành cảnh báo.

Với những bệnh liên quan đến việc sử dụng smartphone thường xuyên, nếu người dùng hiểu biết và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ giảm đi, những triệu chứng sẽ mất đi và không cần điều trị bằng thuốc và không phải phẫu thuật. Còn với những người không để ý, vẫn lạm dụng, nghiện smartphone thì biểu hiện bệnh sẽ rất nặng và kéo dài.

Để phòng bệnh này, bác sĩ Thành khuyến cáo mọi người phải giảm thời gian sử dụng smartphone trong ngày, tăng khoảng cách thời gian giữa những lần sử dụng (khoảng 15 - 30 phút cần phải thay đổi tư thế, nghỉ giải lao và vận động để giảm sức căng).

Người dùng smartphone nên phân phối lực cầm, bấm điện thoại lên cả hai tay hoặc đặt điện thoại lên mặt phẳng như bàn hoặc đùi, làm giảm áp lực lên gân cơ, dây chằng của bàn tay. Ngoài ra, người dùng smartphone nên tập những bài thể dục chuyên biệt cho bàn tay dưới sự tư vấn và hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa xương khớp hoặc vật lý trị liệu. Những bài tập này giúp làm khỏe các gân cơ, dây chằng và cũng có tác dụng phòng bệnh. Khi có biểu hiện tê nhức bàn tay, có cảm giác kiến bò, người dùng phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện kịp thời những bệnh hay gặp ở người sử dụng smartphone thường xuyên như ngón tay cò súng, viêm bao gân vùng cổ tay và hội chứng ống cổ tay để can thiệp kịp thời, tránh những di chứng có thể xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Quang (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN