Kinh nghiệm dân gian chữa nhiệt miệng

Viêm loét miệng (nhiệt miệng) là tình trạng bệnh lý thường gặp, biểu hiện chủ yếu là xuất hiện các vết loét ở niêm mạc khoang miệng và lưỡi với kích thước to nhỏ không đều nhau, ban đầu thường viêm đỏ sau loét rộng ra và có giả mạc màu vàng bẩn bám chắc, rất đau đớn.

Bệnh nặng nhẹ tùy người, rất dễ tái phát, thậm chí có trường hợp xuất hiện nhiều vết loét rải rác cả khoang miệng, kích thước rộng và dễ xuất huyết khiến cho người bệnh vô cùng khổ sở, nhất là khi ăn uống.

Trong y học cổ truyền, viêm loét niêm mạc miệng thuộc phạm vi các chứng bệnh như “khẩu cam”, “khẩu sang”, “khẩu dương”... với nguyên nhân chủ yếu là do hư hoả hay thực hoả tác động vào các tạng phủ gây nên. Một trong những biện pháp trị liệu đơn giản của Đông y đối với căn bệnh này là sử dụng các kinh nghiệm dân gian hết sức phong phú.

Kinh nghiệm dân gian chữa nhiệt miệng - 1

Hình ảnh viêm loét trong miệng.

Thuốc ngậm

Rễ cây hoa tường vi 50 - 100g, sắc kỹ lấy nước ngậm nhiều lần trong ngày.

Hoàng liên 10g, sắc kỹ với 100ml nước, ngậm vài lần trong ngày.

Lá đạm trúc diệp tươi lượng vừa đủ, sắc kỹ lấy nước hòa thêm băng phiến 1g, dùng làm nước ngậm vài ba lần trong ngày.

Tạo phàn 5g, kha tử 10g, tỳ bà diệp 15g, sắc kỹ lấy nước ngậm 4 - 6 lần trong ngày.

Mật ong 50g, đại thanh diệp 15g, hai thứ sắc kỹ lấy nước ngậm nhiều lần trong ngày.

Kinh nghiệm dân gian chữa nhiệt miệng - 2

Hoàng liên sắc lấy nước ngậm vài lần trong ngày để chữa viêm loét miệng.

Thuốc dán

Dùng phụ tử chế hoặc ngô thù du và đinh hương lượng vừa đủ, tán bột, hòa với nước hoặc dấm chua, đắp lên huyệt dũng tuyền cả hai bên, cố định bằng băng dính, mỗi ngày thay thuốc 1 lần. Vị trí huyệt dũng tuyền: là điểm nối giữa 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân thứ hai và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân.

Tế tân lượng vừa đủ, sấy khô, tán bột, trộn với dầu vừng hoặc dấm chua lâu năm thành dạng cao rồi đắp vào rốn, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Ngô thù du 8g, đại hoàng 4g, đởm tinh 2g, sấy khô tán bột, trộn với dấm chua, đắp vào huyệt dũng tuyền.

Tỏi tươi 1 củ giã nát, ngô thù du 30g tán bột, hai thứ trộn đều với dấm chua, đắp vào huyệt dũng tuyền cả hai bên.

Chi tử sống 10g, sinh đại hoàng 10g, băng phiến 5g, ba thứ tán bột, trộn với dấm, đắp vào rốn.

Thuốc bôi

Ngũ bội tử 10g, minh phàn 10g, băng phiến 3g, tất cả tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi lần dùng tăm bông ướt lấy một ít bột thuốc chấm vào vết loét, mỗi ngày 2 lần.

Hoàng liên 10g, đại hoàng 10g, thanh đại 30g, xạ hương 1g, tất cả tán thành bột thật mịn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi lần lấy một ít thuốc chấm vào vết loét, mỗi ngày 2 lần.

Lá nữ trinh tử non (cây xấu hổ) 10g, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước, bôi vào vết loét nhiều lần trong ngày.

Hồng táo 25g, hành củ (còn cả rễ) 5 củ, sắc kỹ lấy nước hòa thêm 0,9g băng phiến, dùng làm thuốc bôi vết loét 2 lần trong ngày.

Nghệ vàng 8g, băng phiến 3g, nhi trà 7g, mật gấu khô 0,5g, sấy khô tán bột, trộn đều, dùng làm thuốc bôi 2 lần trong ngày.

Hoàng liên và can khương lượng bằng nhau, sấy khô tán bột, chấm vết loét 3 lần trong ngày.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn (Sức khỏe đời sống)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN