Gặp những người... mang “án tử hình”

Mỗi gia đình bệnh nhân ung thư bất hạnh khổ sở theo một cách riêng. Cũng có người trân trọng từng phút giây cuối đời, để luôn vui vẻ, lạc quan.

Bất cứ ai bị bệnh ung thư đều coi là họ đeo “án tử hình”. Mỗi người có cách đón nhận sự ra đi của mình khác nhau. Người thì sống vội vã bằng cách phá đời trong rượu, bia, hút sách... trước khi tử thần đến. Cũng có người trân trọng từng phút giây cuối đời, để luôn vui vẻ, lạc quan...

Gặp những người... mang “án tử hình” - 1

Mỗi ngày tại bệnh viện K luôn đông nghịt người đến khám

Gặp những người... mang “án tử hình”

Tại viện K, ông Nguyễn Văn Khải (63 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đang phải điều trị hóa chất giai đoạn 3. Ông bị đau dạ dày đã lâu nhưng vẫn chủ quan nghĩ đó chỉ là bệnh đau đại tràng thông thường thôi. Đến khi ông bị đau thượng vị, không ợ hơi được tức bụng có lúc đau quằn quại nên đã đi nội soi thì thấy trong dạ dày có những vết sần sùi. Bác sĩ kết luận là ung thư dạ dày thể thâm nhiễm. Nhưng đến khi mổ ra thì bác sĩ lại phát hiện ra ung thư đã di căn ra khắp ổ bụng và đã sang gan 1 cm. Bác sĩ nói ông chỉ sống được khoảng 2 tháng nữa. Mọi người trong nhà đã rất sốc và gần như mất hết hy vọng.

Tại Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân Chu Văn S. 59 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội cấp cứu trong tình trạng ho nhiều, sốt, khạc đờm trắng, thở rít liên tục, không nói được và có triệu chứng ngạt thở. Các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân có khối u nằm ở vị trí 1/3 khí quản, lan rộng ra lồng ngực và lấp gần hết khí quản. Đây là ca ung thư khí quản hiếm gặp từ trước đến nay.

Ông Phạm Minh Tuấn,  65 tuổi (Hà Tĩnh) nghiện thuốc lá cũng chừng gần 39 năm. Nhìn bề ngoài, không ai biết ông đang mang cơn bạo bệnh hiểm nghèo. Ông cho biết mỗi ngày hút hết một đến hai bao thuốc. Cách đây 2 tháng, ông ho ra máu nên đến bệnh viện Bạch Mai để khám và biết đã bị ung thư giai đoạn cuối, di căn phổi. Sau 3 lần hóa trị, ông thấy sức khỏe của mình ngày càng đi xuống. Bác sĩ bảo, thời gian sống của ông được đếm từng ngày…

Chỉ một buổi chiều ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tôi bắt gặp không ít những mảnh đời bất hạnh. Bé T. (3 tuổi, ở Ninh Bình) đang từng ngày vật lộn với bệnh ung thư máu. Chị Xuyên, mẹ bé T. cho biết: “Nhà chồng tôi có 3 anh em thì 1 người chú đã mất vì bệnh máu trắng. ông ngoại bé T. cũng đã mất vì bệnh ung thư. Sau một lần chơi đùa chẳng may bị một hòn đá đập vào đầu, vết thương xưng to rồi cháu bị sốt xuất huyết nặng. Khi đưa cháu lên viện tỉnh khám, các bác sĩ xét nghiệm phát hiện ung thư máu ác tính rồi chuyển ra viện Nhi Trung ương. Bệnh viện này lại chuyển sang Viện huyết học để điều trị. Ba tháng ròng, chị một mình chăm con. Nhưng những tia hy vọng sống của cậu bé rất ít.

Gia tăng bệnh nhân ung thư trẻ!

16h khoa Nội 2 nằm trên tầng 4 của Bệnh viện K Trung ương vẫn đông bệnh nhân đợi khám, truyền hóa chất. Những gương mặt mệt mỏi, đau đớn, đầu trọc lốc do hóa chất làm rụng hết tóc ngồi khắp nơi.

Theo bác sĩ Đỗ Kim Anh (Khoa Nội 2), trước đây ung thư, nhất là ung thư vú, tử cung chỉ gặp ở những người trung cao tuổi, nhưng nay đã có cả những bệnh nhân còn trẻ. Bác sĩ cũng cho biết: “Những loại ung thư ngày càng mắc nhiều là ung thư phổi, thực quản, đại trực tràng và ung thư tiền liệt tuyến”.

Các thống kê cho thấy, tình trạng trẻ hóa bệnh nhân ung thư ở cả hai giới hiện đang ở mức báo động. Theo các chuyên gia, nếu trước đây, ung thư đại trực tràng và khoang miệng thường gặp ở người trên 40 tuổi, thì nay xuất hiện khá nhiều ở lứa tuổi 20, thậm chí 14-16. Ung thư phổi đứng đầu và phổ biến ở nam giới, sau đó đến dạ dày, gan, đại trực tràng, tiền liệt tuyến. Đối với phụ nữ là ung thư vú, dạ dày, cổ tử cung, gan. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là yếu tố môi trường. Yếu tố nhiễm khuẩn từ thói quen ăn uống cũng rất nguy hiểm.

Cũng theo bác sĩ Kim Anh, với những người trẻ tuổi, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng hết sức quan trọng. Quá trình kiểm tra giúp phát hiện ra bệnh sớm. Các bác sĩ cảnh báo, khi bị phát hiện ung thư, đặc biệt là ở giới trẻ sẽ gặp phải khó khăn về tâm lý trong quá trình điều trị. Điều đó cũng dễ hiểu bởi họ còn trẻ, còn tương lai nên việc điều trị để có kết quả tốt sẽ là mầm sống.

Bác sỹ Lê Thành Đức, phó trưởng Khoa Nội 2, Bệnh viện K Trung ương cho biết: nhiều người cứ nghĩ mắc ung thư là đã mang "án tử hình". Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân đã chiến thắng vì phát hiện sớm và chữa đúng bệnh. Dẫu rằng cuộc chiến của những người mắc căn bệnh ung thư còn dài, nhưng chớ nên nghĩ cứ mắc ung thư là mang “án tử hình”. Và tôi nhớ lời nhà văn Nga từng viết: “Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng của họ. Sẽ vẫn còn nhiều gia đình khốn khó phải chống chọi với căn bệnh này nhưng tôi tin họ sẽ là những người chiến thắng vinh quang nhất”.

Bệnh viện luôn quá tải bệnh nhân

Theo ông Trần Văn Thuấn, phó giám đốc Bệnh viện K, mỗi ngày phòng khám Bệnh viện K tiếp nhận 1.000 bệnh nhân. Chưa kể hai cơ sở điều trị của bệnh viện luôn có chừng 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Với cơ sở vật chất hiện có, Bệnh viện K là một trong những cơ sở y tế quá tải nhất nước.

Bệnh nhân ung thư là nhóm bệnh nhân chịu nhiều đau đớn, mệt mỏi, mất sức, nhất là giai đoạn điều trị hóa trị, xạ trị, nhưng hầu hết phải nằm ghép đôi, ghép ba. Thậm chí tại Trung tâm xạ trị và điều trị ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, từng phải ghép tám bệnh nhân /giường bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Người đưa tin
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN