Đơn thuốc kỳ quặc: Càng uống càng mệt

Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân là Việt kiều ở Canada về thăm người thân, chỉ bị đau đầu, khó ngủ do thay đổi múi giờ, không có bệnh lý đặc biệt, chỉ cần bổ sung dinh dưỡng, điều chỉnh giấc ngủ là bệnh sẽ khỏi.

Càng uống thuốc càng mệt

Tại một phòng khám tư ở Hà Nội, bệnh nhân này bị kê một đơn thuốc... 18 loại, bao gồm thuốc đau dạ dày, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc huyết áp, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim... “Bệnh nhân lớn tuổi nên rất tin tưởng bác sĩ và đã tuân thủ đơn thuốc trong hai tháng mà bệnh không khỏi, mặc dù mỗi khi uống thuốc bệnh nhân đều rất mệt” - bác sĩ Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, những đơn thuốc “quá hớp” như thế này không phải là dạng hiếm ở Hà Nội. Hôm 10-9, ông N.V.T., 58 tuổi, cũng được kê một đơn thuốc 11 loại, trong đó có đủ từ thuốc chống đông, lợi tiểu, trợ kali, kháng sinh, an thần và không quên thực phẩm chức năng là hỗn hợp vitamin và acid amin liều cao. Trong đơn thuốc viết kín đặc một tờ giấy, bệnh nhân T. đã được chỉ dẫn uống thuốc liên tục từ sáng đến tối mịt, trong đó riêng buổi tối ông phải uống đến sáu loại thuốc, có một viên uống chính xác vào 20 giờ! Một bác sĩ đã nhận xét có thể “cơ cấu” đơn thuốc này xuống còn bảy loại, bởi trong đơn có nhiều loại thuốc không có tác dụng cụ thể cho bệnh nhân.

Kể từ năm 2008, Bộ Y tế đã có quy định cấm kê đơn thực phẩm chức năng vào đơn thuốc, nhưng chỉ khảo sát hai buổi sáng 18 và 19-9 ở cổng các bệnh viện lớn tại Hà Nội, chúng tôi liên tục phát hiện những đơn thuốc có thực phẩm chức năng. Bệnh nhân Đ.T.M., 46 tuổi, được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm đã được kê đơn sáu sản phẩm, trong đó hai thực phẩm chức năng bổ sung canxi, khoáng chất và vitamin. Bệnh nhân N.T.H., 50 tuổi, được bổ sung một loại thực phẩm chức năng là viên nang dầu cá..., với số lượng mỗi loại từ 2-3 hộp thực phẩm chức năng/đợt điều trị.

Chỉ nên tối đa 5 loại thuốc/đơn

Khẳng định kê đơn thuốc phải tùy theo thể trạng và loại bệnh lý, nhưng phó chánh thanh tra Bộ Y tế, bác sĩ Hà Hào Hiệp, cũng nhận định một đơn thuốc chỉ nên có 3-4 loại thuốc, tối đa năm loại là nhiều. Theo ông Hiệp, trường hợp một bệnh nhân mắc nhiều loại bệnh phải xác định bệnh lý nào là chính để có quyết định “trị bệnh tận gốc”, không thể để tình trạng một bệnh nhân vừa huyết áp cao, vừa tiểu đường, vừa đau dạ dày phải uống hàng chục loại thuốc để trị cùng lúc cả ba bệnh. “Đơn thuốc 18 loại là quá nhiều, không thể được. Tất nhiên muốn điều trị tận gốc bệnh thì bác sĩ phải giỏi” - ông Hiệp chia sẻ.

Hậu quả của lạm dụng thuốc không chỉ đơn giản là bệnh nhân mất tiền mà còn nguy cơ kháng kháng sinh và tương tác giữa các thuốc được kê quá nhiều trong một đơn thuốc. “Nếu bác sĩ không tính toán kỹ, cho bệnh nhân uống kháng sinh cùng vitamin C thì thuốc sẽ bị mất tác dụng trong môi trường acid, thậm chí các thuốc có thể có tương tác có hại cho bệnh nhân. Trong trường hợp đơn thuốc quá nhiều loại, bệnh nhân có thể hỏi lại bác sĩ xem đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng, mức độ cần thiết của từng loại. Nếu phát hiện đơn thuốc có thực phẩm chức năng, Bộ Y tế sẽ xử phạt nghiêm”- ông Hiệp cho biết.

Song, điều khó khăn nhất với bệnh nhân là không biết thuốc nào cần thiết, thuốc nào không, nên họ không thể từ chối nếu được bác sĩ chỉ định. Trong khi dịch vụ y tế là loại dịch vụ có “điều kiện”, điều kiện đó là phải có bệnh mới được uống thuốc. Thực tế đã có những đơn thuốc tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu trong khi bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ cần nghỉ ngơi, bồi bổ là trở lại bình thường.

Tại diễn đàn “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” mới được tổ chức ở Hà Nội gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho rằng thị trường dược phẩm VN đang tăng trưởng 20-22%/năm và sắp đạt ngưỡng 2 tỉ USD trước dự kiến. Nhưng có bao nhiêu trong đó là thuốc không dùng để trị bệnh? Điều đó rất cần phải đặt ra như một yêu cầu quan trọng của một nền y tế văn minh, nhất là khi giá viện phí đã tăng nhằm mục tiêu tăng chất lượng điều trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LAN ANH - QUỲNH LIÊN (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN