Cúm A/H7N9: Nguy cơ tử vong từ 50 - 100%

“H7N9 là loại virus mới xâm nhập vào loài người gây phá hủy nội tạng. Người nhiễm cúm A/H7N9 có nguy cơ tử vong rất cao (tỷ lệ từ 50-100%)”.

Virus mới xâm nhập vào loài người

Theo PGS. Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, H7N9 là loại virus mới xâm nhập vào người. Khi virus đã xâm nhập sẽ gây bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao (tỷ lệ 50-100%).

Trong số 14 trường hợp nhiễm bệnh ở Trung Quốc đã có 6 người tử vong. Biểu hiện lâm sàng của những bệnh nhân này giống với cúm A/H5N1. Bên cạnh đó có một số cảnh bệnh đặc biệt hơn gây tổn thương cơ, tiêu cơ nặng nề, viêm thận, suy tạng nặng...

BS Huy cho rằng, có 4 yếu tố khiến con người có thể nhiễm virus H7N9. Cụ thể: con đường xâm nhập của virus, mật độ virus, độc lực virus và sức đề kháng của mỗi người.

Trên thế giới từng xuất hiện đại dịch cúm ở người như: đại dịch cúm A/H1N1, A/H2N2, A/H3N2. Riêng cúm A/H7N9 có thể bùng phát thành đại dịch trong trường hợp virus H7N9 lây được từ người sang người. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có bằng chứng khoa học để chứng minh H7N9 lây được từ người sang người.

BS Huy phân tích, có 3 tuýp huyết thanh trong chủng cúm. Cụ thể: cúm A, cúm B và cúm C. Trong số này, cúm B, C chỉ có ở người và thành dịch bệnh ở địa phương với quy mô nhỏ lẻ. Còn cúm A không chỉ phổ biến ở người mà còn phổ biến ở các loại động vật (gia súc, gia cầm, động vật hoang dã,…)

Cúm A/H7N9: Nguy cơ tử vong từ 50 - 100% - 1

Theo các chuyên gia, hiện tại vẫn chưa xác định được nguồn lây của virus H7N9

Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, một số virus cúm đã vượt qua danh giới loài để lây từ động vật sang người như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9,… đe dọa tính mạng con người.

Chưa xác định nguồn lây

Theo TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh Nhiệt đới TW, hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế Trung Quốc vẫn chưa xác định được chính xác nguồn lây từ cúm A/H7N9.

“Các bác sĩ Trung Quốc trả lời chưa có bằng chứng lây truyền rõ ràng từ cúm A/H7N9. Thực tế, một số người mắc cho biết, có tiếp xúc với gia cầm hoặc lợn trong khi về bản chất virus H7N9 cư trú trên động vật có vú, một phần trên chim. Theo tôi không nên loại trừ từ chim lây sang gia cầm”, TS. Kính cho biết.

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng lo ngại khả năng lây truyền cúm A/H7N9 từ Trung Quốc sang Việt Nam rất cao. "Tình trạng nhập lậu, buôn bán gia súc, gia cầm bừa bãi, không có kiểm soát từ Trung Quốc hiện nay là con đường dễ dàng cho dịch cúm A/H7N9 lây lan nhanh chóng", ông Kính nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, đến nay cúm A/H7N9 vẫn chưa có vắc-xin điều trị. Các chuyên gia nhận định, ngay cả loại virus thông thường nếu có vắc-xin điều trị thì chủng cúm vẫn bị biến đổi.

Do đó để chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương cùng giám sát, kiểm tra nhập khẩu, quản lý mua bán gia cầm và các hoạt động tuyên truyền, sẵn sàng vật tư, kinh phí phòng chống cúm A/H7N9.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Dịch cúm gia cầm H7N9 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN