COVID-19: Khu vực có Việt Nam giảm rất sâu, châu Âu ngược chiều

Sự kiện: Sống khỏe

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuần qua toàn cầu có hơn 2,9 triệu ca COVID-19 mới, giảm 6% so với tuần qua, tử vong giảm đến 12%; trong đó Tây Thái Bình Dương giảm lần lượt 22% và 24% số ca mắc và tử vong.

Thật ra tỉ lệ giảm về số ca mắc rõ nhất ở châu Phi (-32%) tuy nhiên khu vực này, có thể do điều kiện xét nghiệm, chiếm dưới 1% của thế giới nên không có ý nghĩa nhiều khi đánh giá tình hình chung. Vì vậy, thay đổi rõ rệt nhất về tình hình COVID-19 tuần này nằm ở Tây Thái Bình Dương và châu Âu. 

Báo cáo dịch tễ WHO vừa gửi các cơ quan truyền thông cho thấy tuần qua Tây Thái Bình Dương - cũng là khu vực WHO xếp Việt Nam vào - lần đầu tiên có số ca mắc xuống dưới 1 triệu sau nhiều tuần. Khu vực này chỉ có hơn 896.000 ca trong tuần qua, giảm mạnh so với mức 1,146 triệu ca tuần trước, trong đó số tử vong  cũng giảm 24% còn 1.555 ca.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS

Thay đổi mạnh mẽ ở Tây Thái Bình dương chủ yếu do sự hạ nhiệt của 2 "chảo lửa" của các tuần trước là Nhật Bản và Hàn Quốc, với mục giảm lần lượt là 43% và 12%.

Tuy nhiên khu vực này lại ghi nhận 2 quốc gia "ngược chiều thế giới" là New Zealand và Singapore. Với 19.616 ca mới trong tuần, New Zealand tăng tới 172% so với tuần trước; trong khi Singapore tăng 35% với 21.873 ca mới.

Châu Âu là khu vực duy nhất trong 6 khu vực của WHO ghi nhận mức tăng trong tuần qua (8%) và cũng là khu vực có nhiều ca nhất thế giới (hơn 1,535 triệu ca) với sự tăng cục bộ ở một số nước.

Quốc gia có số ca COVID-19 mới nhiều nhất châu Âu là Đức với hơn 400.000 ca, tăng 42%; tiếp theo là Pháp với gần 265.000 ca, tăng 15%; thứ ba là Nga với 256.000 ca, giảm 28%.

Tuần qua cũng có hơn 104.000 trình tự gien SARS-CoV-2 được giải mã giám sát và tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID, cho thấy 99,9% các ca COVID-19 thế giới vẫn là Omicron.

Báo cáo của WHO chỉ rõ BA.5 và các dòng con chỉ còn chiếm 80,8% trong khi BA.4 và các dòng con có sự lấn sân chậm rãi, đã đạt 7,8%. Điều này được cho là do sự "trỗi dậy" của một dòng con mới là BA.4.6. Một thống kê gần đây của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) cho thấy BA.4.6 đã chiếm gần 13% trình tự gien được giải mã giám sát ở nước này.

Biến chủng phụ mới này được cho là "lấn sân" tương đối chậm và chưa ghi nhận khác biệt về độc lực (khả năng gây bệnh nặng).

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện tại có tổng cộng 300 biến chủng và biến chủng phụ của COVID-19 đang được theo dõi.

WHO khuyên nên tiêm phòng cúm

Sự gia tăng trở lại của COVID-19 ở châu Âu là điều đã được dự báo trước, khi mùa đông đến gần.

Phát biểu tại buổi họp báo tối 5-10, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo đã đến thời điểm mọi người đang tiêm phòng cúm bên cạnh tiêm phòng COVID-19, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ.

COVID-19 và cúm vốn là 2 bệnh có các biện pháp phòng ngừa tương tự, nên sự dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch và phòng vệ cá nhân trong COVID-19 cũng có thể kéo theo việc cúm tăng trở lại, song song với tác động từ thời tiết lạnh. Đồng nhiễm COVID-19 và cúm cũng thường đem đến một trải nghiệm khó chịu và trở nên nguy hiểm nếu người bệnh là người cao tuổi, nhiều bệnh nền.

Nguồn: [Link nguồn]

Thứ trưởng Bộ Y tế: Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch trở nên phức tạp

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN