Coi chừng rước họa khi tự tập gym, yoga

Sự kiện: Sống khỏe

Theo chuyên gia, ngay với các bài tập nhẹ nhàng, ít tốn sức, phù hợp cả với người luống tuổi… vẫn có thể khiến người tập chấn thương, nếu không được hướng dẫn cụ thể.

Coi chừng rước họa khi tự tập gym, yoga - 1

Dù bài tập phức tạp hay đơn giản, người tập cũng cần tìm hiểu xem có phù hợp với thể trạng của mình hay không - Ảnh: Tạ Tôn

Tưởng tăng vòng ba hóa lại hỏng khớp gối

Bận rộn với công việc, rồi con cái, dù mong muốn tham gia lớp tập gym nhưng chị Nguyễn Minh H. (trú tại Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đành bó tay vì không bố trí được thời gian thích hợp. Thay vì tìm lớp, chị H. tranh thủ giờ sáng khi các con chưa ngủ dậy để tập theo clip dạy thể dục trên mạng. Gần 3 tháng nay, chị H. theo đuổi bài tập squat 45 phút buổi sáng với mục đích làm săn chắc vòng eo, đùi và nảy nở vòng 3. “Các động tác không dùng quá nhiều sức nên mình thấy phù hợp với sức khỏe. Tuy nhiên, càng tập thì càng thấy ổ khớp gối có vấn đề, nhức nhối. Gần tuần nay mình dừng tập”, chị H. cho biết.

Không tự tập ở nhà, chị Trần Ngọc M. (trú tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) đăng ký tham gia lớp tập yoga ở trung tâm. Tuy nhiên, mới đây chị tạm ngưng tập, phải đi vật lý trị liệu vì căng cơ và đau phần sống lưng. “Nguyên nhân cũng bởi mình gắng sức tập động tác khó, uốn cong ngửa người ra sau. Vốn dĩ đây là động tác mình thường “chịu thua” trong mỗi buổi tập, mà không hiểu sao hôm đó lại cố làm”. Sau động tác đó, chị phải bỏ lớp tạm thời.

"Luôn khởi động trước mỗi bài tập, tăng dần khối lượng bài tập để cơ thể thích nghi, tránh tình trạng căng cơ, chuột rút, chấn thương… Khi tập quá sức, sai động tác có thể dẫn đến những cơn đau cơ, xương, khớp. Tuy nhiên, nếu nghỉ ngơi cơn đau sẽ tự khỏi. Trong trường hợp cơn đau không giảm, tăng nặng, người tập cần thăm khám bác sĩ”.

BS. Nguyễn Kim Loan
Khoa Cơ - Xương - Khớp
BV Đa khoa Thu Cúc

Hay như trường hợp chị Nguyễn Thị B. (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), quyết định mua dụng cụ hỗ trợ tập cơ bụng được quảng cáo trên truyền hình để tự tập ở nhà. Dụng cụ có phần ván nằm của thiết bị này được thiết kế cong, dốc khiến người tập khi gập bụng phải bắt đầu bằng tư thế nằm dốc xuống, đầu thấp hơn hông đến 40-50cm. Chỉ tập được vài ngày, chị đã phải tìm đến bác sĩ, bởi tư thế nằm dốc đầu xuống khiến căn bệnh cao huyết áp của chị tái phát.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Kim Loan, Khoa Cơ - Xương - Khớp BV Đa khoa Thu Cúc cho biết: “Các bệnh nhân bị chấn thương từ việc tập luyện thể thao tìm đến việc không ít. Đa phần gặp phải hiện tượng co cơ, trật khớp, hoặc tăng nặng các bệnh về cơ, xương, khớp, huyết áp hay tim mạch. Thậm chí, ngay với yoga, với các bài tập nhẹ nhàng, ít tốn sức, phù hợp cả với người luống tuổi… vẫn có thể khiến người tập chấn thương, nếu không được hướng dẫn cụ thể, phù hợp với cơ địa vốn có”.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Uyển Quỳnh (giáo viên tại Trung tâm Thể thao Army) cho rằng: “Nhiều động tác nhìn tưởng đơn giản như tập squat đứng lên, ngồi xuống, nếu tập đúng cách sẽ mang hiệu quả rõ rệt, săn chắc vùng cơ mông, đùi và lưng dưới. Tuy nhiên, ngược lại dễ khiến người tập chấn thương như: Đau khớp gối, sưng cơ đùi… Hay với bài tập cardio đơn giản như: Nhảy dây, leo cầu thang, chạy bộ… giúp cải thiện tim mạch và giảm cân rất tốt. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, liên tục tập gắng sức quá mức lại có thể gây đau cơ, mất cơ, mệt mỏi, mất ngủ hay tăng nguy cơ các bệnh tim, thậm chí có trường hợp ngất xỉu trong phòng tập vì nguyên nhân này”.

Cần hiểu rõ cơ thể mình

Theo khuyến cáo của BS. Loan, tập luyện thể thao là cần thiết nhưng với bất cứ môn thể thao nào, người tập cần tìm hiểu và có sự hướng dẫn kỹ lưỡng của chuyên gia để thực hiện đúng cách, phù hợp với thể trạng của mình. Đặc biệt, khi người tập bước vào tuổi 40 hoặc có các bệnh lý mạn tính, nên thăm khám trước khi quyết định chơi thể thao. “Điển hình với những người vốn mắc bệnh lý cao huyết áp, tim mạch hay các bệnh về cơ - xương - khớp, sẽ rất cần tư vấn từ bác sĩ, hay huấn luyện viên để có được bài tập phù hợp, an toàn”, BS. Loan cho biết.

BS. Loan lấy ví dụ, với những người bị đau lưng thì không nên tập những động tác khiến cột sống chịu lực quá mạnh, thường xuyên phải cúi gập hay có thao tác khiến cơn đau nặng nề thêm; Người bị thoái hóa khớp gối nên đạp xe hơn là đi bộ, tránh các động tác khiến khớp gối chịu lực nặng…

Còn bà Uyển Quỳnh khuyến cáo: “Nên lựa chọn huấn luyện viên chỉ dẫn các động tác trong thời gian đầu, họ sẽ giúp người tập chọn lựa bài tập phù hợp với sức khỏe, nhu cầu cải thiện vóc dáng cũng như cách tập đúng cho nhiều động tác. Đây là điều mà một số người vẫn gặp rắc rối khi chỉ tập theo các video trên mạng.

7 bài tập thể dục an toàn dành cho người bị bệnh tim

Với những người bị bệnh tim, duy trì tập luyện các bài tập thể dục thích hợp rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Anh (Báo Giao Thông)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN