Chuyên gia Trần Đắc Phu: Bệnh bạch hầu nguy hiểm nhưng không nên quá lo lắng

Sự kiện: Bệnh bạch hầu
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

“Những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua, chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Họ đã được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu”, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.

Vừa qua, CDC Bắc Giang xác định 15 người tiếp xúc gần với bệnh nhân là nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh bạch hầu, ở huyện Hiệp Hòa. Tất cả được cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Nhân viên y tế điều trị dự phòng cho nhóm này bằng kháng sinh trong vòng 7 ngày, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh.

Sức khỏe của các F1 (người tiếp xúc gần) hiện ổn định, không có biểu hiện bất thường. Còn bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội.

PGS-TS Trần Đắc Phu.

PGS-TS Trần Đắc Phu.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng.

Cũng theo PGS Phu, trước kia bệnh bạch hầu rất phổ biến ở cả thành phố, nông thôn, nhưng nhờ Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà hiện nay số mắc giảm đi rất nhiều. Và sau nhiều năm không có ca bệnh, vừa qua bệnh lại quay trở lại do một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

Vừa qua, có tình trạng thiếu cục bộ vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên ở vùng sâu vùng xa cũng không được tiêm. Trong khi ở thành phố hoặc đồng bằng, nhiều bà mẹ cho con đi tiêm phòng theo hình thức tiêm dịch vụ (tiêm vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1…).

PGS Phu cho biết, cũng vì thế dịch không bùng phát ở thành phố hoặc đồng bằng. Cũng có thời gian dịch bùng phát ở các tỉnh Tây Nguyên song hiện nay không có dịch xảy ra nhờ chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều cho người dân ở khu vực này.

PGS Phu lưu ý, mọi người không được chủ quan. Khi dịch bùng phát thì bất kỳ ở đâu, thành phố hay nông thôn, miền núi, những ai không có miễn dịch (do tiêm chủng và do nhiễm phải) thì đều có khả năng mắc bệnh có triệu chứng hoặc nhiễm vi khuẩn và trở thành người lành mang trùng, lại mang vi khuẩn đi lây cho người khác.

“Những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua, chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Họ đã được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, vừa không phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác”, PGS Phu khuyến cáo.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày, hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh, đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Nguồn: [Link nguồn]

Ở thời kỳ toàn phát, người bệnh sốt 38 độ - 38,5 độ, nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, chán ăn, mạch nhanh, huyết áp hơi hạ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh bạch hầu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN