Chuyên gia đầu ngành về hồi sức tại Việt Nam: 3 ca nhiễm COVID-19 tử vong là điều bất khả kháng

Sự kiện: Tin tức COVID-19

“Lần này, các bệnh nhân nặng, kèm nhiều bệnh mạn tính, hằng ngày đã sống nhờ máy móc giờ chỉ thêm một chút bất thường thì rất khó chống đỡ”, GS.TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng chia sẻ.

Nguyên nhân tử vong không khẳng định hoàn toàn do COVID-19

Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước hiện có 12 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang trong tình trạng nặng, trong đó Đà Nẵng: 5 bệnh nhân (416, 427, 430, 453, 478), Quảng Nam: 1 trường hợp (bệnh nhân 433), Huế: 5 ca (bệnh nhân 418, 431, 436, 438, 456), TP HCM: 1 trường hợp (bệnh nhân 449).

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 3 ca tử vong do mắc bệnh lý và COVID-19.

GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng cho biết, bệnh nhân nhiễm COVID-19 tử vong như giọt nước làm tràn ly.

GS Bình lý giải, trong số các trường hợp mắc COVID-19 tử vong có nhiều bệnh nhân nặng, tuổi cao, kèm theo nhiều bệnh mạn tính như chạy thận nhân tạo, suy tim, đái tháo đường. Ở giai đoạn trước có những bệnh nhân nặng, tất cả tập trung dồn sức vào điều trị, bệnh nhân có khả năng phục hồi. Tuy nhiên lần này, các bệnh nhân nặng, kèm nhiều bệnh mạn tính, hằng ngày đã sống nhờ máy móc giờ chỉ thêm một chút bất thường thì rất khó chống đỡ.

Chuyên gia đầu ngành về hồi sức tại Việt Nam: 3 ca nhiễm COVID-19 tử vong là điều bất khả kháng - 1

Chẳng hạn: Đối với bệnh nhân số 499 vừa được Bộ Y tế công bố tử vong ngày 1/8 do bệnh nhân bị ung thư máu giai đoạn cuối, không đáp ứng điều trị hóa chất. Hệ thống bạch cầu giống như hệ thống bảo vệ thì nay sinh ra bạch cầu bất thường, không có chức năng bảo vệ. Bệnh nhân bị viêm phổi rất nặng, rơi vào tình trạng sốc không phục hồi được. Chính vì vậy, nguyên nhân tử vong không khẳng định hoàn toàn do COVID. Nhiễm thêm bệnh COVID-19 nữa giống như giọt nước làm tràn ly.

Trong số 3 ca tử vong còn có bệnh nhân 428. Bệnh nhân này 70 tuổi, suy thận mạn, lọc máu hơn 10 năm, suy kiệt, tăng huyết áp, suy tim, suy mạch vành. Động mạch vành hẹp, tình trạng bệnh nhân rất xấu, y bác sĩ không thể can thiệp. Qua siêu âm tim, hầu như tim không còn bóp. Dù được dù lọc máu, chạy ECMO, thở máy… nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Bệnh lý nền là nguyên nhân tử vong chính.

“Chúng tôi không thể làm gì. Việc tử vong của người bệnh là bất khả kháng”. GS.TS.Nguyễn Gia Bình nói.

Về công tác điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện hiện nay của Đà Nẵng, theo Th.S Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh – Đội trưởng Đội Điều trị, hiện đã thiết lập một đơn vị Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và lắp đặt 20 máy chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế Hòa Vang.

Đối với việc giãn cách bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân nặng, bệnh nhân thường đang được tiếp tục thực hiện.

38 bác sỹ bệnh viện Bạch Mai đã chi viện cho 5 đơn vị là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang; Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Bắc Quảng Nam.

Bên cạnh kíp do TS.BS Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi Sức tích cực- Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách còn có thêm 1 kíp đang hỗ trợ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Bệnh viện Trung ương Huế đã hỗ trợ Đà Nẵng điều trị 18 bệnh nhân, đa số là bệnh nhân nặng.

Đề nghị mở toàn bộ cửa sổ, không bật điều hòa tạo thông khí cho bệnh viện

Chiều 1/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu phải giải phóng nhanh, giảm mật độ đối với Bệnh viện Đà Nẵng (ở cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế), coi đây là nhiệm vụ ưu tiên. Hiện nhân viên y tế ở đây quá nhiều, phải giảm số lượng nhân viên y tế ở đây, đưa ra ngoài cách ly khách sạn. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng vấn đề này.

Nếu nhân viên y tế phải quay trở lại bệnh viện làm việc sẽ bố trí xe, cách thực hiện như Bệnh viện Bạch Mai đã làm trước đây.

“Bệnh nhân có bệnh lý nền cũng chuyển bớt vì Bệnh viện Đà Nẵng là ổ dịch siêu lây nhiễm; nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các khoa Hồi sức tích cực, khoa, Hô hấp, Tim mạch cần giải phóng bệnh nhân.

Đặc biệt, các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực – chống độc, hô hấp, tim mạch – là những nơi có khả năng lây nhiễm ở Bệnh viện Đà Nẵng, không đưa bệnh nhân vào đây điều trị.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị mở toàn bộ cửa sổ, không bật điều hòa tạo thông khí cho bệnh viện, tránh việc môi trường ô nhiễm sẽ tạo thành ổ siêu lây nhiễm tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Quyền Bộ trưởng Y tế cũng lưu ý, đối với bệnh nhân thận nhân tạo, cần tách riêng bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 ra khu riêng và thực hiện triệt để phòng lây nhiễm. Nếu không thì không bao giờ cứu được bệnh nhân.

Nguồn: [Link nguồn]

WHO: Đại dịch COVID-19 là khủng hoảng y tế một trăm năm mới xảy ra một lần

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Đại dịch này là một cuộc khủng hoảng y tế một trăm năm nay mới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN