Chủng virus gây đại dịch tay chân miệng năm 2011 đã trở lại?

Theo đánh giá của các chuyên gia, tháng 8, tháng 9 hàng năm là thời điểm gia tăng số ca tay chân miệng theo mùa. Đánh giá cho thấy, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng vi rút EV71– chủng vi rút đã gây đại dịch tay chân miệng lớn trên cả nước trong năm 2011.

Báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM ngày 28/9 cho thấy, trong tuần 38 có 289 ca bệnh Tay chân miệng (TCM) nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca). Tổng số ca TCM nhập viện tính đến hết tuần 38 là 3.195, số ca khám ngoại trú đến hết tuần 38 là 15.499. Trong số những ca bệnh nhập viện vào các bệnh viện tuyến cuối của thành phố như bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện Nhi đồng 2 có đến gần 60% là các ca bệnh đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và một số ít từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh TCM do virus, lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện rải rác và gây thành những ổ dịch nhỏ. Năm 2011 đã có dịch lớn trên nước với 150 người tử vong, trong đó TP.HCM có 30 ca. Hiện bệnh này chưa có vắc xin phòng.

“Ở một số trường hợp trẻ mắc bệnh nặng có thể gây các biến chứng nghiêm trọng đến hệ thống thần kinh trung ương, hô hấp, tim mạch, bao gồm viêm màng não vô trùng, mất điều hoà tiểu não, bại liệt, viêm não cấp, suy tim và phù phổi với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh tay, chân và miệng đã được xem là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.”, BS Dũng nhấn mạnh.

TCM có biểu hiện khá đặc trưng với sốt, phát ban sần sùi hoặc mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông và tổn thương loét ở miệng. Bệnh thường tự giới hạn nhưng rất dễ lây. Bệnh TCM thường xảy ra với những dịch nhỏ ở các trường mẫu giáo hoặc trung tâm chăm sóc trẻ em vì siêu vi này rất dễ lây nhiễm. Virus gây TCM thường lây truyền qua đường phân hoặc qua dịch tiết mũi họng như nước bọt, đờm, hoặc nước mũi của người bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, còn đường lan truyền gián tiếp do các vật liệu bị ô nhiễm do đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. TCM chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhũ nhi và trẻ em vì tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng cao được thể hiện ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch còn yếu.

Chủng virus gây đại dịch tay chân miệng năm 2011 đã trở lại? - 1

Chủng virus EV71 sẽ dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng hơn so với chủng virus khác

Theo PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng viện Pasteur TPHCM, qua theo dõi tại Viện, từ đầu năm đến tháng 7 các chủng gây bệnh TCM là EV71 thường có những biểu hiện lâm sàng nặng hơn tổn thương ở các hệ thần kinh, hô hấp so với những chủng khác. “Đặc biệt, từ năm 2011 khi có dịch tăng cao thì cũng có chuyển đổi chủng từ C5 sang C4 sau đó giảm dần chủng C4 và cho đến những tháng gần đây chủng C4 đã có sự gia tăng. Cụ thể: dịch 2011 tại Việt Nam có hơn 70.000 trường hợp mắc và 145 trường hợp tử vong. Ở các nước lân cận có những năm lên đến gần 400 trường hợp tử vong. Như vậy, chúng ta thấy rằng sự gia tăng đột biến đó do sự chuyển đổi các thứ nhóm gen C4.”, Ông Lân phân tích. 

Phòng bệnh thế nào?

Theo các chuyên gia, TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ: như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Có 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà; tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.

3 dấu hiệu sớm cảnh báo tay chân miệng diễn biến nặng

Từ đầu năm đến nay, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị 100 ca tay – chân – miệng....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Nhi ([Tên nguồn])
Dịch tay chân miệng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN