Cảnh báo dịch tay chân miệng bùng phát

Tháng 4 là thời điểm bùng phát của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ. Dự báo trong năm 2013 bệnh tay chân miệng sẽ có diễn biến khó lường.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Huy Khoa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại Hội thảo Quốc tế về phòng chống bệnh tay chân miệng ngày 4/4.

Trao đổi với PV, PGS. TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, tháng 4 là tháng cao điểm nhất trong năm về bệnh tay chân miệng.

Cảnh báo dịch tay chân miệng bùng phát - 1

Theo các chuyên gia, tháng 4 là thời điểm bùng phát của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ.

Bác sĩ Huy cũng cho hay, tháng 4 thời tiết mùa xuân, độ ẩm trong không khí cao, mưa – nắng, nóng – lạnh thất thường, là điều kiện tốt cho rất nhiều loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua các con đường như hô hấp, tiếp xúc, tiêu hóa,…Ngoài ra, môi trường sống tại các thành phố quá chật hẹp, điều kiện vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân chưa tốt và khoa học cũng là nguyên nhân khiến bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh chóng.

Theo Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế, từ đâu năm 2013 đến nay cả nước có 14.260 ca mắc với 4 ca tử vong. Tay chân miệng là một trong 10 dịch bệnh có số tử vong cao nhất tại Việt Nam (45 trường hợp).

Cảnh báo dịch tay chân miệng bùng phát - 2

Hình ảnh bọng nước xuất hiện ở bệnh nhân tay chân miệng

Nhận định tình hình dịch bệnh tay chân miệng trong năm 2013, ông Nguyễn Huy Khoa cho rằng trong năm 2013 bệnh tay chân miệng vẫn có diễn biến phức tạp trên diện rộng.

Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nếu trước đây triệu chứng bệnh thường biểu hiện rõ là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và niêm mạc miệng, thì nay nhiều trẻ bị bệnh không bộc lộ rõ ràng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện mắc tay chân miệng. Nhiều trường hợp virrus tấn công vào não, biến chứng các cơ quan tiêu hóa, tim mạch nhưng vẫn không có biểu hiện đặc trưng của bệnh.

Cảnh báo về nguy cơ của dịch bệnh này, ông Nguyễn Huy Khoa cho rằng: Tay chân miệng do vi rút đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp; có nhiều tuýp vi rút gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp khác nhau. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Bộ Y tế đưa ra nhiều khuyến cáo người dân nên rửa tay bằng xà phòng; người bệnh nên che miệng và mủi khi ho hoặc hắt hơi; thường xuyên lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường, ít nhất 2 lần trong ngày; cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa, bát; tránh tiếp xúc gần với người đã mắc bệnh; theo dõi và phát hiện sớm để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh và đưa trẻ đến cơ sở y tế; các nhà trẻ, mâu giáo phải có các khu vực rửa tay bằng xà phòng, có khu vực xử lý chất thải theo quy định.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ

Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, ít chơi, kém ăn, sốt, phát ban ở miệng, tay, chân Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng.

Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bọng nước và thường tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má.

Ban da xuất hiện trong vòng 1 đến 2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, máu đỏ và một số hình thành bọng nước.Ban này không ngứa và thường cư trú ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân…”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Dịch tay chân miệng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN