Bỗng thèm ngủ khủng khiếp, có phải bệnh?
Gần đây, tôi bỗng thèm ngủ khủng khiếp, cho dù ngủ 9 tiếng/ngày, uống thêm cà phê vẫn có cảm giác lờ đờ, uể oải, mất sức làm việc.
Bạn đọc Trần Thị Dung (nữ, 50 tuổi, quận 3, TP HCM), hỏi: Trước đây mỗi đêm tôi ngủ chỉ 6-7 tiếng, trưa có khi chợp mắt 10-15 phút, có khi không nhưng tinh thần vẫn thoải mái, mỗi ngày chỉ cần uống đúng một cữ cà phê sáng. Tuy nhiên gần đây, tôi giống như "lên cơn" thèm ngủ. Công việc dạo này có hơi áp lực, phải thức khuya nên tôi có cố ngủ bù thêm buổi trưa để đủ 8 tiếng mỗi ngày. Thế nhưng, không thoát được cảm giác thèm ngủ khủng khiếp, lờ đờ, uể oải, thiếu tập trung dù có uống thêm cà phê. Có hôm tôi ngủ đến 9 tiếng vẫn thấy thiếu ngủ. Xin bác sĩ cho hỏi có những căn bệnh nào khiến người ta bất ngờ hay buồn ngủ không? Tôi phải làm sao để cải thiện, vì tình trạng ảnh hưởng khá lớn đến công việc?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Chào chị, trước tiên tôi xin khẳng định việc chị bỗng thèm ngủ hơn xưa là hoàn toàn bình thường. Vì như chị nói, dạo này công việc của chị nhiều áp lực. Vì vậy chị đã bị stress và điều này dẫn đến sự thay đổi.
Thời gian trước, chị ngủ ít mà vẫn tỉnh táo có thể do mức độ stress vừa phải và có những quãng thời gian thư thái xen lẫn. Khi chúng ta gặp stress cơ thể tăng tiết catecholamin, làm tim đập nhanh, co mạch, tăng chuyển hóa tế bào giúp cơ thể tỉnh táo, duy trì khả năng làm việc cường độ cao.
Tuy nhiên nếu stress này kéo dài, cơ thể phải làm việc quá độ và bắt đầu "đình công": chuyển sang trạng thái mệt mỏi, luôn cảm thấy thèm ngủ. Việc chị phải thức khuya cũng làm gia tăng thêm stress, đồng thời ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ.
Giấc ngủ kém chất lượng thì dù chị có ngủ đủ 8 giờ một ngày, vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi, dễ buồn ngủ. Giấc ngủ đêm thường là giấc ngủ sâu, tốt hơn cho sức khỏe và khó lòng bù lại bằng giấc trưa. Với nhịp sinh học bình thường, sau một ngày cơ thể hoạt động, đêm mới là lúc cơ thể cần nghỉ ngơi. Giấc ngủ đêm chất lượng cũng giúp chị tái tạo năng lượng hiệu quả hơn.
Vì vậy, chị cần điều chỉnh lại giờ ngủ, cố gắng sắp xếp những công việc có thể làm trong ngày để có nhiều thời gian hơn cho giấc ngủ đêm, chị sẽ thấy một đêm ngủ đủ 7-8 tiếng sẽ giúp chị tràn đầy năng lượng hơn việc ngủ 9 tiếng nhưng bị chia thành nhiều giấc ở những giờ không phù hợp nhịp sinh học.
Ngoài ra chị cần lưu ý đến dinh dưỡng, chế độ ăn cân đối đầy đủ các thành phần protid, glucid, lipid và các yếu tố vi lượng (vitamin).
Chúc chị khỏe và duy trì sự tỉnh táo hàng ngày trong công việc.
Ngủ hơn 10 giờ hay ít hơn 6 giờ mỗi tối có thể tăng nguy cơ chết sớm, theo một nghiên cứu mới công bố.