Bệnh vì… thuốc!

Uống thuốc càng nhiều, dùng thuốc càng thường thì hệ thống phòng vệ càng phải huy động tập trung lực lượng dù chỉ là báo động giả! Hậu quả là nhiều bệnh khác thừa nước đục thả câu khi sức đề kháng là ngọn đèn trước gió.

Tình trạng lạm dụng thuốc có là mối nguy của sức khỏe cộng đồng ở nước mình hay không? Người bệnh không cần trả lời câu hỏi này vì không thể và cũng không có bổn phận phải trả lời. Người có trách nhiệm giải đáp cho thỏa đáng là ngành y. Nhưng người bệnh có quyền đòi hỏi nhận được câu trả lời chính xác và cụ thể từ những người tự nhận là trong cuộc. Mọi luận cứ khác chỉ là ngụy biện.

Tác dụng khác xa tương tác

Ở nước Đức, vì dùng quá nhiều dược phẩm từ nhiều hãng sản xuất khác nhau nên thầy thuốc cho dù có muốn cũng không thể nào kiểm soát phản ứng tương tác bất ngờ giữa các loại thuốc. Một mặt, các hãng thuốc có muốn cũng không thể thực hiện mô hình xét nghiệm để kiểm định khả năng tương tác của sản phẩm ruột với mấy chục ngàn dược phẩm khác! Ở xứ mình còn nhiêu khê hơn nữa vì thầy thuốc cho dù có hết lòng với người bệnh cũng khó lòng trở tay cho kịp nếu người bệnh bên cạnh toa thuốc của bác sĩ này lại dằn túi vài toa của bác sĩ chuyên khoa khác! Đó là chưa kể đến trường hợp thầy thuốc làm đúng hết, kiểm soát toa thuốc trước sau đàng hoàng nhưng không ngờ bệnh nhân uống thêm vài thứ thuốc tự mua sau khi xem quảng cáo vô tội vạ trên truyền hình, trên báo chí! Nếu ở Đức, hầu như ngày nào cũng có thêm vài loại thuốc mới thì vận tốc chào hàng thực phẩm chức năng bên mình đã qua mặt từ lâu! Ai cấm nổi bệnh nhân cố tìm đâu đó một chút hy vọng? Nước Đức đã có lần xôn xao vì chuyện một bệnh nhân mất mạng sau khi nhỏ mắt theo đúng toa thuốc của một bác sĩ nhãn khoa, chẳng qua vì trong thuốc nhỏ có hoạt chất ảnh hưởng trên huyết áp thuộc nhóm “chẹn beta”, trong khi bệnh nhân đang uống thuốc hạ huyết áp, cũng “chẹn beta” theo y lệnh của bác sĩ tim mạch! Hậu quả là hai lần “chẹn beta” dẫn đến chẹn gì đó mà tim ngừng đập!

Bệnh vì… thuốc! - 1

Thầy thuốc cho dù có hết lòng với người bệnh cũng khó lòng trở tay cho kịp nếu người bệnh bên cạnh toa thuốc của bác sĩ này lại dằn túi vài toa của bác sĩ chuyên khoa khác.

Hao thuốc hao tài!

Không kể đến kinh phí hơn 500 triệu euro phải mất hằng năm vì chi phí điều trị nội trú, cũng không kể đến gánh nặng điều trị ngoại trú triền miên cho số bệnh nhân mất tiền vì thuốc rồi mang tật, đứng trước thực tế là số bệnh nhân tử vong hằng năm ở Đức vì phản ứng tương tác bất lợi giữa dược phẩm cao gấp đôi số nạn nhân mất mạng vì tai nạn giao thông, liên đoàn dược phòng ở Đức đã mạnh dạn vận động mọi người tìm cách giới hạn mức độ nguy hại của việc lạm dụng thuốc bằng một số biện pháp cụ thể như:

- Nhờ bác sĩ gia đình kiểm soát phác đồ điều trị chuyên khoa.

- Chú trọng chức năng tư vấn của nhà thuốc, đồng thời với giải pháp thống kê vi tính tất cả dữ liệu có liên quan đến thói quen dùng thuốc của mỗi bệnh nhân.

- Tăng cường chương trình thông tin giáo dục y tế trên phương tiện truyền thông đại chúng.

- Giới hạn việc lạm dụng liệu pháp đặc hiệu thông qua biện pháp hội chẩn bắt buộc của các thầy thuốc chuyên khoa.

Trông người mà ngẫm đến ta

Đó là chuyện của xứ người. Trở lại với quê nhà. Nước Đức là một quốc gia đã có cấu trúc của ngành y tế đi vào ổn định. Điều đó không có nghĩa là mặt trăng ở Đức tròn hơn mặt trăng bên mình. Điều đó cũng không có nghĩa là biện pháp áp dụng ở nước người không phù hợp với bối cảnh ở xứ mình. Điều đó càng không có nghĩa là vấn đề ở xứ khác không ăn nhằm gì hết với nước ta. Thử hỏi hiện nay:

- Có bao nhiêu người bệnh bên mình tự động mua thuốc mà không cần ý kiến của thầy thuốc?

- Có bao nhiêu người bệnh bên ta đang được điều trị bởi nhiều thầy thuốc chuyên khoa không hề hội ý với nhau?

- Có bao nhiêu người bệnh chưa bao giờ được tư vấn về tác dụng phụ ở nhà thuốc, hay đó chỉ là nơi thuận mua vừa bán?

Già néo sớm đứt dây

Nếu thuốc vào rồi lại ra sau khi để lại tác dụng giúp người uống thuốc hết bệnh thì mọi chuyện êm đẹp như đoạn cuối câu chuyện thần tiên. Kẹt là thuốc nào cũng thế, nội địa hay ngoại nhập cũng vậy, hóa chất tổng hợp hay hoạt chất thiên nhiên cũng thế, đều là chất lạ với cơ thể. Hệ miễn nhiễm do đó phải thủ thế tập trận mỗi lần gia chủ uống thuốc.

Bên cạnh đó, tất cả phế phẩm từ tiến trình biến dưỡng thuốc đều ít nhiều là độc chất đối với cơ thể. Các loại dược phẩm kháng viêm có corticoid, thuốc chống cảm giác đói, thuốc chứa nội tiết tố, thuốc hạ áp thuộc nhóm chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc dãn phế quản… là lý do hàng đầu khiến người bệnh mãn tính đồng thời là nạn nhân của thuốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS Lương Lễ Hoàng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN