Bệnh cúm thường gặp nhưng có thể gây tử vong rất nhanh

Bệnh cúm được xem là bệnh thông thường, trong đời ai cũng có thể mắc phải, Tuy nhiên các chuyên gia y tế cảnh báo, không nên coi thường bệnh cảm cúm.

Bệnh cúm thường gặp nhưng có thể gây tử vong rất nhanh - 1

Một bệnh nhân hôn mê vì bị suy đa phủ tạng do mắc cúm B

Nguy kịch vì cúm

Chị Trương Mỹ H. 41 tuổi, sau 2 ngày cảm cúm mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, ho, sổ mũi, chị vào viện khám. Chị được chẩn đoán cúm A H1N1. Tuy nhiên, vài hôm sau bệnh biến chứng viêm phổi và nhanh chóng dẫn đến suy đa phủ tạng, phải thở máy.

Đây chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp bị biến chứng do bệnh cúm mỗi năm.

Thạc sĩ Nguyễn Danh Đức – Bệnh viện Melatec, cho biết, mùa đông lạnh, nhiệt độ môi trường và độ ẩm không khí thấp là điều kiện thuận lợi giúp cho vi rút cúm phát triển, gây bệnh cúm. bệnh cúm là bệnh thông thường, bệnh lây qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 1-3 ngày và diễn biến bệnh từ 3-5 ngày. 

Mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh mạn tính khác. Nếu không thận trọng, bệnh sẽ lây lan nhanh chóng.

Khi xâm nhập vào cơ thể, vi rút gây cúm có các triệu chứng như sốt (có thể sốt cao, đột ngột), viêm long đờm đường hô hấp trên, ho, sưng đau họng...

Thạc sĩ Đức cho biết khi bị cúm, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, nếu lơ là và gặp các loại cúm vi rút có động lực mạnh, theo dõi và chăm sóc bệnh không đúng cách, bệnh cúm có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi, nhiễm trùng huyết... gây suy đa phủ tạng và tử vong cho bệnh nhân rất nhanh. 

Chính vì thế, có một vài bệnh nhân mệt mỏi vài ngày và nhanh chóng bị sốc nhiễm khuẩn do vi rút cúm xâm nhập nhanh và hoạt động mạnh.

Thạc sĩ Đức cho biết các loại bệnh cúm có động lực như cúm A H5N1 hay cúm A H7N9, A H3N2 hoặc là cúm A H1N1 các vi rút gây cúm tăng động lực và dễ xâm nhập vào các cơ quan khác, trong đó viêm phổi gặp nhiều nhất. Vì vậy chúng ta không nên xem thường bệnh cúm.

Có nhiều khi người bệnh thường chủ quan, nghĩ là cảm cúm thông thường, không đến bệnh viện. Đến khi cơ thể không chịu nổi mới tới bệnh viện, lúc đó cơ thể đã bị tàn phá quá nhiều với hội chứng suy đa phủ tạng, tỷ lệ tử vong khá cao. 

Vì vậy, khi mắc cúm dù không nhất thiết phải đến bệnh viện ngay ngày đầu. Nhưng bệnh nhân và người thân khi thấy bệnh trở nặng thì phải đến các cơ sở y tế để có các thiết bị chẩn đoán, theo dõi được tốt hơn.

Thấy khó thở phải đi viện ngay 

Khoa hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị cúm gây ho khan, sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy. Chỉ 2 – 3 ngày sau, bệnh nhân sốt và khó thở. Có bệnh nhân chưa kịp đến viện đã bị sốc nhiễm khuẩn và khi vào viện điều trị khó khăn, tốn kém. Có những trường hợp tốn vài trăm triệu đồng vẫn không sống được. 

Mặc dù hiện nay có các kỹ thuật mới cứu người bệnh như kỹ thuật lọc máu hiện đại, kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy ngoài cơ thể) nhưng theo giáo sư Nguyễn Gia Bình – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai - mọi người cũng không được coi thường bệnh cúm. 

Giáo sư Bình cho biết khi gặp các triệu chứng lâm sàng của cúm như sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan… đến ngày thứ 2-3 bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở thì hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm máu, chụp CT phổi để xác định xem bệnh nhân có nhiễm cúm hay không. Nếu bệnh có tiến triển nặng lên cần nhập viện để được điều trị nhanh nhất.

Bệnh cúm lây qua đường hô hấp và người bị cúm cần đeo khẩu trang. Khẩu trang cần giặt bằng xà phòng, sát khuẩn hàng ngày. Người khỏe mạnh đến chỗ đông người cũng nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Nếu không kiểm soát được nguồn lây thì bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm cúm, kể cả trẻ con và người lớn. 

Để phòng bệnh cúm, thạc sĩ Đức khuyên mọi người nên đi tiêm phòng cúm, nhất là với những người mắc bệnh mạn tính, bệnh phổi, chạy thận, đái tháo đường, người thường xuyên dùng thuốc corticoid, hay người già, trẻ em vì đây là nhóm người có nguy cơ bị bệnh cao hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN