Bé 3 tháng tuổi bị biến chứng phổi do sởi

Bé Đặng Trúc Chi, 3 tháng tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) bị biến chứng nặng do sởi vừa được các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cứu sống.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng,Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhi Đặng Trúc Chi nhập viện ngày 19/2 trong tình trạng sốt, phát ban, ho, nổi ban đỏ.

Sau khi nhập viện, sức khỏe bệnh nhi diễn biến bất thường, tổn thương phổi, hồng cầu, bạch cầu. Tuy nhiên, sau 8 ngày điều trị tích cực tại Khoa, bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo, hiện sức khỏe đang dần hồi phục.

Trong cả quá trình điều trị, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, gia đình và các bác sĩ đều rất lo cháu không thể qua khỏi. Nhưng với tinh thần quyết tâm và bằng nhiều năm kinh nghiệm, các bác sĩ của Khoa đã đưa ra biện pháp điều trị phù hợp và cháu được cứu sống.

Theo PGS Dũng, đây là bệnh nhân thứ hai bị biến chứng nặng do sởi được cứu sống tại Khoa trong thời gian dịch sởi diễn biến phức tạp vừa qua.

Hiện Khoa vẫn tiếp nhận rải rác các ca bệnh mắc sởi, một số ca biến chứng nặng. Điều nguy hiểm là năm nay sởi tập trung nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi, có trường hợp 24 ngày đã mắc (bình thường sởi ít gặp dưới 1 tuổi. Trước đó, bệnh nhi Bùi Kiều Tr. (10 tháng tuổi ở Hà Nội) bị bệnh sởi biến chứng suy hô hấp cũng được cứu sống.

Bé 3 tháng tuổi bị biến chứng phổi do sởi - 1

Các bác sĩ kiểm tra Xquang phổi cho bệnh nhi bị biến chứng do sởi

Theo PGS Dũng, viêm não do sởi cũng là một biến chứng nguy hiểm. Viêm não có thể gây co giật, hôn mê, tử vong hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của trẻ sống sót. Phụ nữ mang thai nếu bị sởi thì có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.

Một biến chứng khác mặc dù hiếm nhưng cũng cực kỳ nghiêm trọng là chứng viêm não xơ hóa bán cấp. Bệnh này chỉ xuất hiện sau khi trẻ bị sởi từ 7-10 năm. Những trẻ mắc sởi lúc tuổi càng nhỏ thì nguy cơ này càng tăng. Biểu hiện đầu tiên là thay đổi nhân cách, sau đó rối loạn vận động, co giật, sa sút trí tuệ. Trẻ thường tử vong sau 1-2 năm phát hiện bệnh.

PGS đánh giá, lịch tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng trở lên là hoàn toàn hợp lý và không nên thay đổi, vì chiến lược tiêm phòng là cho số đông. Trên thực tế, số mắc sởi trước 9 tháng tuổi chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Số mắc ít, cơ thể trẻ đang còn có kháng thể từ mẹ, khi tiêm vào phản ứng kích miễn dịch kém. Theo tôi được biết, một số nước châu Phi người ta có thể tiêm vắc xin từ 6 tháng, sau một thời gian dài theo dõi và thấy số lượng trẻ mắc sởi từ 6 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao

Bên cạnh dịch sởi, theo ông Nguyễn Thành Nam- Phó Khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai, hiện số bệnh nhi nhập viện tại Khoa chủ yếu liên quan tới bệnh lý hô hấp như: viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Bên cạnh đó, khoa cũng tiếp nhận rải rác các ca bệnh thủy đậu, nhưng phần lớn ở thể nhẹ nên cho phép bệnh nhân ngoại trú.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D. Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN