Bài thuốc chữa chai chân

Sự kiện: Món ăn bài thuốc

Chai chân thuộc phạm vi các chứng bệnh như nhục chích, kê nhãn... trong Đông y, là tình trạng tăng sinh dày lớp thượng bì, nhất là lớp sừng, thường gặp ở các điểm tì ép nhiều trong lòng bàn chân như gót chân, các điểm đối diện với ngón chân 3 và 5, có khi ở lưng ngón chân.

Tổn thương nổi thành từng đám dày sừng, màu vàng sẫm, ở giữa có nhân, ấn vào đau chói, ảnh hưởng đến việc đi lại do đau đớn, đặc biệt là chai ở gót chân. Để chữa trị chứng bệnh này, y học hiện đại thường băng mỡ salixilic gọt bỏ lớp sừng, đốt điện hoặc khoét bỏ bằng phẫu thuật…

Trong Y học cổ truyền, bệnh chai chân được trị liệu bằng một số bài thuốc sau:

Bài 1: Rửa sạch tổn thương, sát khuẩn bằng cồn y tế rồi dùng dao lam nhẹ nhàng gọt bỏ lớp sừng dày. Sau đó, lấy lá lô hội tươi thái phiến mỏng đắp lên tổn thương và dùng băng cố định, mỗi ngày thay thuốc 2 lần, làm liên tục cho đến khi khỏi.

Bài 2: bột huyết kiệt 5g, bột đá vôi lượng vừa đủ, hai thứ đem hoà với 100ml nước muối đặc thành dạng cao rồi đắp lên tổn thương, dùng băng y tế cố định trong 24 giờ. Sau đó, tháo băng, gỡ bỏ cao thuốc, bóc hết chai rồi dùng mật quạ bôi một lớp mỏng trong 24 giờ.

Bài 3: hồng hoa 3g, địa cốt bì 6g, tán bột trộn với dầu vừng và một chút bột mì thành dạng cao rồi đắp lên tổn thương.

Bài 4: trần bì 15g, cẩu tích 30g, uy linh tiên 30g, địa phu tử 30g, hồng hoa 10g, sắc lấy nước ngâm chân khi còn nóng, mỗi ngày 2 lần. Mỗi thang có thể dùng 3 lần.

Bài 5: phèn phi 10g, hoàng đan 10g, phác tiêu 10g, ba thứ tán bột, trộn đều. Trước tiên, dùng mũi dao khoét 1 lỗ ở trung tâm tổn thương, sau đó dùng bột thuốc rắc đầy và cố định bằng băng y tế, ngày thay thuốc 1 lần.

Bài thuốc chữa chai chân - 1

Bài 6: tỏi vỏ tím 1 củ, hành tươi 1 củ, giấm chua vừa đủ. Trước tiên, dùng cồn y tế sát trùng rồi lấy dao lam nhẹ nhàng gọt bỏ lớp sừng dày. Tiếp đó, ngâm chân bằng nước muối trong 20 phút (200ml nước chín pha với 5g muối) rồi dùng tỏi và hành giã nát trộn với giấm chua đắp lên tổn thương, cố định bằng băng y tế, mỗi ngày thay thuốc 1 lần, thông thường sau 1 tuần là khỏi.

Bài 7: ngô công sống (con rết) 1 con rửa sạch, giã nát đem trộn với 1,5g lưu hoàng (hoặc băng phiến 1g) rồi đắp lên tổn thương, mỗi ngày thay thuốc 1 lần, thường vài lần là khỏi.

Bài 8: ô mai 30g, muối ăn 3g, giấm ăn vừa đủ. Ô mai đem ngâm vào nước muối trong 1 ngày rồi bỏ hạt, giã nát, trộn với giấm thành dạng hồ và đắp lên tổn thương, mỗi ngày thay thuốc 1 lần, thường sau 3-5 lần là khỏi.

Bài 9: sáp ong đắp lên tổn thương rồi dùng băng cố định bên ngoài, thường sau vài ngày, lớp chai chân sẽ bong ra, nếu 1 lần chưa có hiệu quả thì làm thêm 1 lần nữa.

Bài 10: phá cố chỉ 30g (tán nhỏ) ngâm với 100ml cồn 95% trong lọ thủy tinh, bịt kín miệng, mỗi ngày lắc đều 1 lần, sau 10 ngày thì dùng được. Trước tiên, sát trùng tổn thương bằng cồn y tế rồi dùng dao lam nhẹ nhàng gọt bỏ lớp sừng dày sao cho không chảy máu là được, tiếp đó dùng bông thấm dịch thuốc đắp lên vùng bị chai, cố định cho đến khi khô thì thôi, mỗi ngày làm 1 lần, thường sau 1 tuần là khỏi.

7 bài thuốc chữa suy nhược do thận dương hư

Suy nhược cơ thể do thận dương hư thường gặp ở người cao tuổi, đại tiện lỏng mạn tính, suy nhược thần kinh, hưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ThS. Lê Thị Hương ([Tên nguồn])
Món ăn bài thuốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN