Bác sĩ, nghề không bao giờ có cái Tết trọn vẹn

Các ngày nghỉ, ngày Tết, con cái của bác sĩ đều không được bố mẹ dẫn đi chơi, đi mua sắm như các gia đình khác. Đối với người làm trong ngành y, họ ít khi được lựa chọn thú vui cho mình.

Bệnh nhân tăng, bác sĩ giảm

Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết, mọi người được nghỉ nhưng đối với những người làm trong ngành y, đó lại là dịp vất vả nhất. Trong dịp Tết, số bệnh nhân nhập viện vẫn có, bệnh nhân điều trị giảm nhưng ca cấp cứu tăng. Vì thế, bác sĩ, y tá cũng chóng mặt với công việc của bệnh viện.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chia sẻ về câu chuyện những ngày trực tết của mình. Thạc sĩ Cấp cho biết hầu như những ngày Tết, đối với người làm bác sĩ, cảm giác luôn cô đơn vì họ chỉ có công việc. Đối với tất cả mọi người trong ngành y đều thiệt thòi trong ngày Tết nhưng đối với người bác sĩ cấp cứu, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm thì còn cô đơn hơn.

Biết trước nghề nghiệp của mình như thế, bác sĩ Cấp thường động viên anh, em y bác sĩ dù phải làm việc gấp 2 -3 lần ngày bình thường cũng cố gắng vì bệnh nhân.

Có những năm khi gần giao thừa có một bệnh nhân cấp cứu nặng, cần sự hỗ trợ của các bác sĩ. Mọi người lại cùng nhau cứu bệnh nhân mà quên cả giờ giao thừa, thời khắc đón năm mới thiêng liêng nhất. 

Năm nào cứ vào dịp Tết số lượng bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đều tăng, nhưng bác sĩ giảm vì mọi người luân phiên nhau nghỉ Tết. Bệnh nhân tăng là do bệnh nhân khi bị nhẹ không đến bệnh viện khám. Họ cố ở nhà giữ bệnh lâu, đến khi bệnh có diễn biến đột ngột họ mới vào viện. 

Bệnh viện tuyến dưới tết có xu hướng gửi bệnh nhân nặng lên tuyến trên để tránh dịp tết, tránh xui xẻo và họ lo không cấp cứu được cho bệnh nhân. Vì thế, trong ngày Tết bệnh nhân luôn đông hơn ngày thường, nhất là ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Bác sĩ, nghề không bao giờ có cái Tết trọn vẹn - 1

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Trương khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Hơn 10 năm gắn bó với công việc của một bác sĩ cấp cứu, thạc sĩ Cấp cho biết chưa khi nào ông cùng gia đình được đón cái Tết trọn vẹn. Năm nào ông và đồng nghiệp cũng chia nhau trực. 

Hơn nữa, theo truyền thống của Bệnh viện, đến thời khắc giao thừa, lãnh đạo bệnh viện, các khoa phòng đều tập trung tại bệnh viện đón giao thừa, sau đó chúc Tết các bác sĩ, y tá trực Tết và chúc Tết bệnh nhân nằm lưu tại viện. Có lẽ vì thế, dù các bác sĩ thiếu không khí của gia đình nhưng họ vẫn có chút ấm áp từ đồng nghiệp, từ cơ quan.

Chuyện thất hẹn là như cơm bữa

Chuẩn bị trước từ mấy hôm những món quà nhỏ dành cho bệnh nhân của mình, thạc sĩ Cấp cho biết niềm vui trong ngày trực Tết của các bác sĩ đó là được trao những món quà nhỏ, chúc mừng năm mới đến với bệnh nhân và người nhà của họ. 

Cảm giác đón năm mới trong bệnh viện đối với người nhà bệnh nhân là cô đơn vô cùng. Họ vừa lo sức khỏe của người thân, vừa nhớ không khí Tết bên ngoài. Nên trong bệnh viện chỉ có tiếng bác sĩ và tiếng thở dài của người nhà bệnh nhân. Các bác sĩ của ca trực ngoài việc đảm bảo cho bệnh nhân đều cố gắng cười tạo không khí vui tươi dịp năm mới.

Từ năm 2006, thạc sĩ Cấp về công tác tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, ông gắn bó với khoa cấp cứu từ đó. Khi hỏi về gia đình trong dịp Tết, thạc sĩ Cấp chỉ cười: "Tôi chưa bao giờ bị vợ càu nhàu vì không đón Tết được ở nhà. Lý do thứ nhất vợ tôi làm cùng ngành, từ ngày chưa lấy nhau bà xã quen việc có bệnh nhân nặng ở lại bệnh viện và thậm chí lúc đó có hẹn hò đi chơi cũng nghỉ không đi. Lâu dần, chuyện thất hẹn với bác sĩ thành quen".

Tuy nhiên, điều mà các bác sĩ đều trăn trở đó là các con. Vợ hay bố mẹ sẽ quen dần với công việc nhưng các con của họ ít người quen. Những ngày nghỉ con nhà khác bố mẹ cho đi chơi còn con bác sĩ rất ít khi được bố mẹ cho đi chơi, đó là thiệt thòi cho các cháu.

Hai con của thạc sĩ Cấp thi thoảng đến dịp nghỉ lễ Tết đều thích bố mẹ cho đi chơi, nhưng bố mẹ đều hẹn con dịp sau vì lịch trực của bố mẹ ở hai bệnh viện không trùng nhau.

Mặc dù công việc vào dịp Tết của những người trong ngành y cũng không khác gì ngày thường, họ không được nghỉ ngơi nhiều nhưng đến nay niềm vui của họ vẫn là mỗi ca cấp cứu thành công, dành giật sự sống cho bệnh nhân từ bàn tay tử thần. 

Thạc sĩ Cấp hồ hởi khoe: "Chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn giường bệnh và khu cách ly vì trong dịp Tết việc di chuyển giữa các vùng là yếu tố lây lan nhiều bệnh truyền nhiễm. Bệnh viện luôn ở tư thế sẵn sàng trực chiến với các bệnh lây nhiễm ngày Tết. Dù đón Tết ở bệnh viện, có chút tủi thân nhưng rồi khi tổng kết dịp nghỉ Tết ai cũng thở phào vui vẻ vì các ca bệnh đều kiểm soát được".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN